Hiểm họa từ loài cá độc

08/08/2012 06:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về các xã miền biển Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam… của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) chúng tôi chứng kiến cảnh ngư dân vẫn ngang nhiên đánh bắt, tiêu thụ cá nóc - một loại thần chết đã được báo trước.

Biết chết vẫn "xơi"

Thịt cá nóc được xé ra phơi khô rồi đem bán đi nhiều nơi làm thực phẩm cho người sử dụng. Năm nào Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn (Hoài Nhơn) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc vì “xơi” món ngon vật lạ… chết người này. 

 

Ai cũng biết rằng từ cá nóc có thể làm được món ăn ngon nhưng nó cũng là loài có chứa độc tố cực mạnh có thể dẫn đến cái chết. Hằng năm, vào khoảng tháng 3-8 là mùa cá nóc xuất hiện đại trà trên biển, với đủ loại như cá nóc bông, nóc gạo, nóc cây, nóc thu… Loài cá này có hàm răng sắc lẻm, cắn phá lưới, nhưng những ngư phủ cũng chẳng chịu thua mà ra sức bắt cho bằng được loài cá ma quái này đưa vào đất liền tiêu thụ ở một số chợ địa phương. Người ta lột da, xẻ cá nóc, đem phơi khô. Khi cá được xẻ xong rồi, chỉ còn lại miếng thịt thì khó mà nhận ra đó là cá nóc. Theo Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, trên thế giới có 80 loài và 12 giống cá nóc, phần lớn có chứa độc tố. Độc tố cá nóc có nhiều trong trứng cá, mật, gan, tuỵ, da.

 

Hiểm họa từ loài cá độc

 

Từng thúng cá nóc còn tươi vừa được ngư dân đưa từ biển vào chợ tiêu thụ. Ảnh: Internet

 

Nếu đem cá nóc đun sôi khoảng 7 giờ đồng hồ thì giảm 1/3 độc tố. Một người ăn chỉ 10g cá nóc có độc tố thì sẽ bị nguy kịch đến tính mạng. Loài cá này có hình thù đa dạng nên khó nhận biết chúng.Ví dụ như cá nóc hom có lớp vảy liên kết thành bộ xương cứng, kích thước cá trưởng thành dài 50-60cm và sống ở tầng đáy. Họ cá nóc nhím có  vây biến thành gai dài, nhọn và sắc như lông nhím. Thân cá trưởng thành dài gần 1m. Họ cá nóc ba răng chỉ có 1 loài, bình thường bụng cá đã to, thân cá dài có ba răng nhọn và cứng chắc.

 

Những cái chết oan uổng 

 

Năm nào ở các xã miền biển của huyện Hoài Nhơn cũng có người chết hoặc bị bệnh tật vì “bạo gan” ăn cá nóc. Khi thuyền đánh bắt hải sản  xa bờ vừa cập bến thì cũng là lúc không ít cá nóc được ngư dân “ưu ái” đưa lên bờ để phục vụ cho người có nhu cầu “xơi” cá nóc. Có người còn vỗ đùi khoe rằng, cá nóc chấp xa những món ngon vật lạ khác, rằng cá nóc ngon “tuyệt cú mèo”(!). Nhưng ngon đâu không thấy, chỉ thấy ngộ độc đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp. Ở thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) mới đây xảy ra một trường hợp tử vong vì ăn cá nóc. Bà Trần Thị Cảnh (68 tuổi) mua cá nóc làm sẵn đem về  kho ăn với cơm. Chị Nguyễn Thị Lý (34 tuổi) là con gái út của bà thấy mẹ ăn ngon lành cũng ăn… thử. Được một lát, chị và mẹ nói chuyện với người hàng xóm đến chơi trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê là mình ăn phải cá nóc. Mọi người tức tốc đưa hai mẹ con bà Cảnh đến Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn cấp cứu nhưng vì ngộ độc qúa nặng, chị Lý đã tử vong. Bà Cảnh tuy được cứu sống nhưng sức khoẻ bị suy sụp ghê gớm. 

 

Cách đây không lâu, ở miền biển Hoài Hương có ông Nguyễn Văn Hạnh (45 tuổi) là ngư dân, sức khoẻ cường tráng, tướng người như lực sĩ nhưng cũng phải chết vì cá nóc. May mắn thay, vợ con ông ăn cá nóc “lấy lệ” nên đã được cứu sống nhưng cũng phải nằm điều trị dài ngày. Anh Nguyễn Văn Tài ở xã Hoài Mỹ khi thoát “cửa tử thần” kể: “Một bữa nọ, tôi đi biển về mang theo vài con cá nóc tươi vừa bắt được. Tôi thái nhỏ cá rồi ngâm với muối một đêm, sau đó đem kho để ăn với cơm. Vợ con tôi  “dị ứng” hổng dám ăn. Sau khi ăn 10 phút thì toàn thân nóng ran, miệng, lưỡi tê cứng như người câm.Vợ con tôi phát hiện nhờ bà con làng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tôi được cứu sống, nhưng đành phải  từ giã nghề đi biển vì sức khoẻ suy kiệt…”. 

 

Người bị ngộ độc liên tiếp như vậy, nhưng ngư dân vẫn ăn cá nóc bình thường như cơm bữa. Món được người dân nơi đây khoái khẩu nhất là cá nóc khô nấu canh chua. Nguy hiểm hơn khi người dân ở vùng biển huyện Hoài Nhơn xem “phong trào” ăn cá nóc như là một… thú ẩm thực.

 

Thanh niên ở các xã ven biển huyện Hoài Nhơn xem cá nóc như là loại mồi nhậu sau mỗi chuyến đi biển về. Họ bảo rượu uống với cá nóc khô là tuyệt vời, uống khi nào say rượu, say luôn cá nóc mới thôi. Có người còn nghĩ ra “sáng kiến” dự trữ cá nóc để dùng vào mùa đông mưa gió khi mà mọi thứ đều thiếu thốn. 

 

Bao giờ “xóa sổ” cá nóc?

 

Cũng như lá ngón với người dân tộc thiểu số ở vùng cao, ở miền biển có loài cá nóc đã giết chết không biết bao nhiêu người. Nguy hiểm nhất nếu một ngày nào đó, những con buôn đưa cá nóc khô lên miền núi, bán cho đồng bào các bản làng xa xôi làm thức ăn thì hậu quả khó mà lường. Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ăn cá nóc bất kể đã được chế biến như thế nào bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng vẫn  có người lén lút hoặc công khai ăn cá nóc như cơm bữa để rồi xảy ra những vụ ngộ độc đau lòng.

 

Được biết, hàng năm, chính quyền các cấp luôn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân không ăn cá nóc vì nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người vẫn coi thường sinh mạng vẫn ăn cá nóc rồi chết vì cá nóc. Đến bao giờ người dân  miền ven biển mới xem cá nóc là “tử thần” cần tránh xa?

 

Trần Kim Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ loài cá độc