Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện là tắc ruột nhưng nguyên nhân được xác định là do túi mật viêm mãn tính gây thủng tá tràng, làm viên sỏi 3cm rơi xuống ruột non. Đây là trường hợp vô cùng hiếm gặp tại Việt Nam.
Cấp cứu vì tắc ruột
Nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau quặn bụng, nôn, bí trung đại tiện hơn 1 ngày, bệnh nhân P.M.H ( 66 tuổi) được chẩn đoán có tình trạng tắc ruột do dị vật. Kết hợp kiểm tra cận lâm sàng, chụp CT ổ bụng và khai thác tiền sử bệnh lý, bác sĩ nghi ngờ tình trạng tắc ruột của bệnh nhân là do do sỏi rơi từ túi mật xuống lòng ruột non.
“Đây là tình trạng rất hiếm gặp. Ở Việt Nam chỉ ghi nhận rất ít trường hợp tương tự. Biểu hiện của bệnh nhân là tắc ruột nhưng nguyên nhân được xác định là túi mật viêm mạn tính gây thâm nhiễm ở trong tá tràng, gây thủng tá tràng. Đặc biệt là lỗ thủng lớn, viên sỏi 3cm rơi xuống ruột non, không thể qua được hồi tràng, làm tắc ruột non”- BSCKI. Đỗ Văn Tọa, trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật Tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Ngọc Phúc Trường Minh, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H cho biết.
Viên sỏi 3cm rơi từ ruột non xuống tá tràng
Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ đơn nguyên phẫu thuật tiêu hóa – BVĐK Hồng Ngọc đã lựa chọn xử lý cấp cứu tình trạng tắc ruột của bệnh nhân H. thông qua mổ nội soi thăm dò, kết hợp mở nhỏ lấy sỏi. Hơn 30 phút can thiệp, ekip đã thành công lấy viên sỏi kích thước 3cm ra khỏi ổ bụng, làm sạch và tháo dịch trong ruột non, tái lập lưu thông hệ tiêu hóa.
Theo dõi sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, có thể đi lại, ăn uống bình thường: “Cơ thể tôi cải thiện rất nhiều, hoàn toàn không nôn nữa, bụng nhẹ nhàng, cảm thấy rất yên tâm là bệnh của mình đang tiến triển tốt” - bệnh nhân P.M.H chia sẻ sau 4 ngày can thiệp.
Hậu quả do không xử lý sớm sỏi túi mật
“Viên sỏi kích thước đến 3cm, thành phần có cả sỏi mật, sắc tố mật lẫn bã thức ăn, cứng chắc như đá đã gây tắc và giãn gần như toàn bộ quai ruột non. Nếu viên sỏi nhỏ hơn thì bệnh nhân sẽ không gặp phải tình trạng này. Đây là hậu quả của việc bệnh nhân có sỏi túi mật từ hơn 10 năm trước nhưng không xử lý sớm.” - BSCKI. Đỗ Văn Tọa cho biết.
Theo bác sĩ Tọa, can thiệp vừa qua chỉ giải quyết được tình trạng cấp cứu do tắc ruột. Ở bệnh nhân H., túi mật đã thâm nhiễm nghiêm trọng, đường rò lớn nên bệnh nhân cần thực hiện thêm một lần can thiệp nữa để loại bỏ túi mật, đồng thời đóng lại lỗ rò, loại bỏ yếu tố nguy cơ về bệnh như nhiễm trùng đường mật ngược dòng, thậm chí ung thư túi mật.
Bác sĩ Tọa cũng cho biết, sỏi túi mật là tình trạng khá phổ biến, thường diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng dẫn đến người bệnh chủ quan, thậm chí “quên” bệnh của mình. Tuy nhiên, sỏi túi mật nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm túi mật cấp, viêm đường mật cấp, viêm tụy, ung thư túi mật… Tắc ruột do sỏi túi mật là một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm của sỏi túi mật.
“Dù là biến chứng gì thì việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém. Do đó, tất cả bệnh nhân có bệnh lý về túi mật, đặc biệt sỏi túi mật cần thăm khám định kỳ với bác sĩ tiêu hóa để được hướng dẫn, theo dõi và điều trị kịp thời” - BSCKI. Đỗ Văn Tọa khuyến cáo thêm.