HDBank: Đầu 2014 sẽ công bố thương hiệu mới sau sáp nhập

23/11/2013 14:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng ngày 23/11, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) đã tổ chức lễ công bố việc sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua lại Công ty Tài chính Việt-Societe Generale (SGVF). Dự kiến HDBank sẽ công bố thương hiệu mới sau sáp nhập vào đầu năm 2014.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank tại buổi họp báo sáng 23/11

Vào ngày 30/10/2013, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định về việc HDBank mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Việt-Societe Generale (SGVF) trực thuộc Tập đoàn Société Général – Cộng hòa Pháp. Đến ngày 18/11/2013, HDBank tiếp tục nhận được quyết định về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) vào HDBank.

Theo đó, ngân hàng sau sáp nhập (HDBank) sẽ có vốn điều lệ 8,100 tỷ đồng với tổng tài sản trên 85,000 tỷ đồng cùng 210 điểm giao dịch trên cả nước. Tất cả nhân viên của các đơn vị đều được giữ nguyên sau sáp nhập. Cổ phiếu của các cổ đông được hoán đổi theo tỷ lệ 1:1.

Đối với SGVF, sau khi HDBank mua lại, công ty này sẽ mang tên là Công ty tài chính MTV Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM với tên giao dịch là HDFinance. HDFinance sẽ tiếp tục kế thừa và duy trì các hoạt động kinh doanh hiện tại bao gồm huy động vốn, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng khác.

Ông Lê Thành Trung – Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, việc mua lại SGVF nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và kết quả hoạt động của HDFinance trong năm 2013 vừa qua là khả quan.

Theo kế hoạch, việc sáp nhập và kết nạp đơn vị thành viên mới sẽ hoàn tất trong năm 2013 và HDBank sẽ công bố thương hiệu mới sau sáp nhập vào đầu năm 2014.

Tại buổi họp báo sáng ngày 23/11/2013, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết đã giải quyết cơ bản các công việc sáp nhập, ngân hàng vẫn đang tiếp tục triển khai các thủ tục pháp lý và hoàn tất bộ máy hoạt động đến hết năm 2013.

Bà Tâm cũng chia sẻ thêm tại buổi họp báo về thông tin bán cổ phần HDBank cho đối tác ngoại. Cụ thể, việc tìm kiếm các đối tác chiến lược đã nằm trong kế hoạch của HDBank trước khi thực hiện việc mua bán sáp nhập. Sau thương vụ này, HDBank vẫn đang tìm kiếm các đối tác chiến lược không chỉ ở Nhật Bản mà còn bao gồm các đối tác đến từ các nước Châu Á và Châu Âu. Tuy nhiên, tỷ lệ bán cổ phần là bao nhiêu chưa được tiết lộ do còn phải xác định tùy thuộc đối tác và lộ trình hợp đồng thỏa thuận như thế nào.

Về vấn đề xử lý nợ xấu của DaiABank sau khi sáp nhập, bà Tâm cho biết DaiABank không có vấn đề nghiêm trọng về nợ xấu. Công việc xử lý nợ xấu của HDBank và DaiABank cũng sẽ được thực hiện như nhiều ngân hàng khác như đánh giá lại toàn bộ vốn, tài sản và đưa ra biện pháp xử lý thích hợp và bao gồm cả việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản (VAMC).

Ông Chu Việt Cường – Chủ tịch HĐQT DaiABank cho biết, mặc dù quyết định sáp nhập DaiABank vào HDBank có hiệu lực từ ngày 20/12/2013 và chính thức từ thời điểm này DaiABank phải rút tên trên Ngân hàng Nhà nước nhưng tại các điểm giao dịch của DaiABank trên toàn quốc vẫn được kéo dài thời gian hoạt động để phục vụ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) được thành lập ngày 30/07/1993, sau 7 năm hoạt động, vốn điều lệ tăng từ 1 tỷ đồng lên 3,100 tỷ đồng vào năm 2010. Tính đến tháng 11/2013, DaiABank đang có 65 điểm giao dịch trên toàn quốc. Tại ĐHĐCĐ thường niên của hai ngân hàng trong tháng 05-06/2013, cổ đông cả hai bên đã thông qua phương án hợp nhất, sáp nhập vào HDBank theo tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1.

Công ty TNHH MTV Tài chính Việt-Societe Generale (SGVF) là công ty tài chính 100% vốn chủ sở hữu của Société Général SA, đây là tổ chức tài chính nước ngoài đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Hiện SGVF có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.


Minh Hằng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HDBank: Đầu 2014 sẽ công bố thương hiệu mới sau sáp nhập