Hậu quả khôn lường của cuộc tấn công mã độc cực lớn đang xảy ra trên thế giới

Hà Kim| 13/05/2017 16:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Anh và các quốc gia trên thế giới đang tìm cách chống lại cuộc tấn công mạng dưới dạng "mã độc tống tiền" được phát hiện từ ngày 12/5.

Ngày 12/5 đã xảy ra hơn 75.000 vụ tấn công mạng vào gần 100 quốc gia trên thế giới, trong số này nước Anh bị nặng nhất.

Theo công ty công nghệ an toàn tin học Kaspersky Lab cho biết, họ đã ghi nhận có đến 75.000 vụ tấn công mạng diễn ra ở gần 100 quốc gia. Ngoài Anh, các nước bị ảnh hưởng nặng nề khác còn có Nga, Tây Ban Nha, Ukraine, Ấn Độ. Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Tây Ban Nha Telefonica và tập đoàn chuyển phát của Mỹ FedEx cũng nằm trong số các nạn nhân của vụ tấn công này.

Một nhóm tin tặc tự xưng là Shadow Brokers lên tiếng nhận trách nhiệm đứng đằng sau vụ tấn công. Chúng đã từng tấn công Cơ quan Anninh Quốc gia Mỹ (NSA) hồi năm ngoái. Chúng sử dụng một mã độc tên là ransomware (mã độc dùng tống tiền nạn nhân) để mã hóa dữ liệu và đòi tiền chuộc thì mới khôi phục lại.

Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, đây là một trong những vụ tấn công bằng mã độc tống tiền "lớn nhất trên thế giới".

Hiện, vụ tấn công mạng sử dụng mã độc ransomware đang gây ra nhiều hậu quả khó lường. Khi ransomware nhiễm vào các máy tính hay hệ thống máy tính, các tin tặc sẽ khóa các file, tài liệu, yêu cầu nạn nhân phải trả 300-600 USD tiền ảo bitcom, nếu không tin tặc sẽ làm rò rỉ thông tin, xóa dữ liệu hoặc khóa hệ thống máy tính. 

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cảnh báo, ngay cả khi người dùng chấp nhận trả tiền chuộc, chưa chắc họ đã có thể truy cập trở lại các dữ liệu của mình. Một số phần mềm tống tiền sẽ tiếp tục mã hóa dữ liệu thêm vài ngày để đòi thêm tiền chuộc hoặc nếu không các dữ liệu sẽ bị xóa.

Hậu quả khôn lường của cuộc tấn công mã độc cực lớn đang xảy ra trên thế giới

Vụ tấn công mạng sử dụng mã độc ransomware đang gây ra nhiều hậu quả khó lường

Ngành y tế công cộng của Anh bị tấn công và ảnh hưởng nhiều nhất, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các bệnh viện ở đảo quốc sương mù. Các ca phẫu thuật bị hủy, xe cấp cứu tạm ngừng hoạt động và bệnh nhân không thể nhập viện do hệ thống máy tính của trên 40 bệnh viện thuộc cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) bị ảnh hưởng, khiến đội ngũ y bác sĩ không thể truy cập vào hồ sơ bệnh án.

Các bác sĩ Anh cảnh báo vụ tấn công mạng lớn nhất lịch sử NHS, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Các chuyên gia thuộc cơ quan an ninh mạng Anh GCHQ đang phối hợp với NHS tiến hành điều tra và nỗ lực chống lại đợt tấn công mạng quy mô toàn cầu ảnh hưởng đến ít nhất 99 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Ngay trong đêm ngày 12/5, chính phủ Anh đã tiến hành họp khẩn cấp và Thủ tướng Anh Theresa May gọi đây là vụ tấn công mạng quốc tế lớn nhất.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố đang chia sẻ thông tin với các nước đối tác bị ảnh hưởng và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật. Tập đoàn FedEx (Mỹ) thừa nhận bị tấn công mạng và đang tiến hành các biện pháp khắc phục càng sớm các tốt.

Trong khi đó, hãng Microsoft tuyên bố đang đẩy mạnh dịch vụ tự nâng cấp Windows nhằm bảo vệ máy tính của khách hàng trước nguy cơ bị nhiễm WannaCry. Hồi 14/3, Microsoft từng tung ra bản cập nhật Windows chống lại Eternal Blue.

Các tập đoàn viễn thông, dầu khí ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nga và Argentina lập tức tiến hành các biện pháp đề phòng như yêu cầu tất cả nhân viên tắt hết máy tính, không kết nối bất kỳ thiết bị nào với internet, đồng thời tăng cường hệ thống an ninh mạng.

Vụ việc xảy ra giữa lúc châu Âu đối mặt với làn sóng tấn công mạng trong các cuộc bầu cử, gần đây là bầu cử Tổng thống Pháp. Bên cạnh đó, Anh cũng nguy cơ tấn công mạng nhắm vào bầu cử quốc hội vào tháng 6. Các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng này. Nhưng, điện Kremlin luôn bác bỏ cáo buộc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả khôn lường của cuộc tấn công mã độc cực lớn đang xảy ra trên thế giới