Nếu được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, chất lượng hình ảnh, dàn diễn viên..., rất có thể trong tương lai, khán giả sẽ được xem một bộ phim truyền hình Việt có sức lan tỏa như Hậu duệ Mặt Trời trên khung giờ vàng.
Làm báo thời công nghệ thông tin, cánh phóng viên văn hóa - giải trí khi tham gia đưa tin sự kiện đơn thuần sẽ đặc biệt quan tâm đến nhân vật khách mời. Khách mời có độ phủ sóng lớn trên truyền thông, lượng fan hùng hậu đóng vai trò gần như quyết định đến mức độ hút view của bài viết. Vì thế, cũng không có gì lạ khi mà cánh paparazzi sẵn sàng “trốn” ở một nơi bí mật để chộp được những khoảnh “độc” của các sao “khủng”.
Cứ ngẫm cảnh sao rừng ống kính máy ảnh của đội ngũ hùng hậu phóng viên, nhà báo quốc tế hướng về Phạm Băng Băng, Củng Lợi, Chương Tử Di, Thư Kỳ… trên thảm đỏ tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế, điển hình như LHP Cannes - LHP uy tín nhất thế giới, lại thấy chạnh lòng…
Phạm Băng Băng tỏa sáng trên thảm đỏ LHP Cannes
Trông người lại ngẫm đến ta
Những ngày gần đây, từ mạng xã hội đến các báo chính thống, từ văn phòng cho đến mấy chị tầm U40 bán hàng ngoài chợ Đồng Xuân đều bàn tán về anh chàng “soái ca” và cô nữ bác sĩ xinh đẹp trong Hậu duệ Mặt Trời đang phát sóng trên Đài KBS - bộ phim truyền hình được ví như “cơn mưa rào”, “ánh rạng đông” của ngành giải trí xứ kim chi.
Cơn sốt của siêu phẩm truyền hình Hậu duệ Mặt Trời còn lây lan sang nhiều nước châu Á như Singapore, Malaysia, Việt Nam… Thậm chí, nhiều nước đã ngỏ ý mua bản quyền phát sóng cũng như làm lại bộ phim. Hậu duệ mặt trời đã khôi phục sức ảnh hưởng của làn sóng phim Hàn tại thị trường Nhật Bản. 100.000 đô la/tập (hơn 2 tỉ đồng/tập) là con số mà một công ty giải trí đất nước Mặt trời mọc sẵn sàng chi ra để phim có thể chiếu chính thức trên truyền hình cáp Nhật Bản.
Hai diễn viên chính trong Hậu duệ Mặt Trời
Điều thú vị là ngay cả giới chính khách, những người vốn bị coi là nghiêm cẩn, khô cứng, cũng rất quan tâm đến Hậu duệ Mặt Trời. Nếu như Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã hết lời ca ngợi bộ phim ngay trong cuộc họp tại Nhà Xanh, thì Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng khuyên người Thái hãy xem Hậu duệ mặt trời để gia tăng tình yêu nước.
Hậu duệ Mặt Trời không chỉ truyền tải thông điệp về lòng yêu nước trong lòng mỗi quốc gia, mà cao cả hơn, nó hướng đến tinh thần đoàn kết, quyết tâm gìn giữ và xây dựng một thế giới hòa bình. |
Thậm chí, từ khóa Hậu duệ Mặt Trời còn gây sốt trên khắp mạng xã hội Trung Quốc đến nỗi Bộ Công an nước này phải đưa ra cảnh báo về những hệ lụy xã hội khi người dân xem quá nhiều phim Hàn. “Xem phim Hàn có thể khá nguy hiểm và đưa tới những rắc rối pháp lý”!?
Trong khi đó, nhắc đến phim truyền hình Việt là nhắc đến thời kỳ những bộ phim dài lê thê về số tập và ngắn ngủi về nội dung, 15 phút lại quảng cáo một lần khiến khan giả ức chế muốn chuyển kênh, thậm chí còn muốn đập điều khiển, tắt tivi… Dù được “ưu ái” với tỷ lệ 30% phim Việt trình chiếu và quy định giờ Vàng phát sóng, số lượng phim trung bình mỗi năm hàng ngàn tập… song vẫn bị khán giả quay lưng.
Mỗi bộ phim được phát sóng, kể cả được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, các diễn viên khá “chịu khó” tổ chức những buổi offline với người hâm mộ song tất cả trôi qua khá nhanh, và nếu có đọng lại thì… rất mờ nhạt. Chính vì vậy, lớp diễn viên trẻ hiện nay được thừa nhận vừa có tài năng vừa có sắc như Vân Trang, Lê Phương, Lê Khánh, Ngọc Lan, Tường Vy, Khương Ngọc, Huỳnh Đông, Quý Bình, Kinh Quốc… thì ngay cả trong nước cũng nhiều khán giả không biết đến chứ đừng nói đến tên tuổi vươn ra tầm thế giới.
“Vàng” thật cho phim Việt giờ Vàng?
Để được phát sóng vào khung giờ vàng, bộ phim phải được đơn vị sản xuất bảo đảm thành công về mặt rating tăng dần sau mỗi tập phim, đồng nghĩa với việc đảm bảo doanh thu từ quảng cáo tương xứng với chi phí mà đơn vị phát sóng bỏ ra đầu tư. Có thể nói sản xuất ra một bộ phim chính là một con dao hai lưỡi mà tất cả đa phần đều phụ thuộc vào thị hiếu của khán giả. Vì thế, trước khi nghĩ đến việc bộ phim có hay hay không, nhà Đài sẽ phải tính đến lợi nhuận và thiệt hại mà bộ phim sẽ mang đến.
Báo chí Hàn Quốc gọi Hậu duệ Mặt Trời là “đứa con bị chối bỏ” của SBS. Chính Đài SBS đã từ chối sản xuất bởi cho rằng với nội dung nói về đề tài chiến tranh, thiên tai kén khán giả, tỉ suất người xem không đảm bảo đồng nghĩa với lợi nhuận thu về thấp. Không chỉ có vậy, quan điểm của SBS còn cho rằng, bối cảnh, phục trang trong phim rất khó để xin tài trợ - nguồn thu quan trọng của đơn vị phát hành. Việc các cảnh quay ở nước ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thông. Như vậy, họ sẽ phải bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn, trong khi phim có thành công hay không thì… phải phát sóng mới biết được.
Một số phim truyền hình Việt được phát sóng khung giờ Vàng
Tuổi thanh xuân - một bộ phim hợp tác với Hàn Quốc được người hâm mộ đón nhận thời gian qua
Tổng thống Hàn Quốc Park Park Geun Hye: “Làm văn hóa tốt không chỉ giúp sinh lợi về kinh tế từ chính những giá trị văn hóa được tạo ra, mà còn đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch”. |
Nói về phim truyền hình Việt giờ vàng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng cho rằng, nếu được sản xuất kỹ lưỡng, chú trọng từ trang phục, đến hình ảnh, âm thanh, thậm chí dàn diễn viên được lựa chọn cẩn thận, chắc chắn… thì phim truyền hình Việt vẫn chạm được đến thị hiếu của khán giả, chứ không hề “vô phương cứu chữa” như những gì mọi người từng nghĩ. Thậm chí, ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, các nhà làm phim Việt Nam đã lộ rõ những điểm yếu, đó chính là việc thiếu kỹ năng làm phim và thiếu các nhà sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp. Bởi đội ngũ làm phim chuyên nghiệp sẽ là những người biết cách tìm kiếm nguồn đầu tư, nắm rõ thị hiếu của khán giả.
Nhìn lại sự thành công của Hậu duệ Mặt Trời, để thấy rằng, rõ ràng, muốn phim Việt phát sóng giờ Vàng thực sự là những con gà đẻ trứng vàng, mang lại lợi nhuận cho đơn vị phát hành, các nhà đầu tư, tài trợ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoài nội dung làm sao lồng ghép được yếu tố mang tính thời đại vào bộ phim một cách nhẹ nhàng, còn đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc từ đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, và đặc biệt diễn xuất có hồn ở đội ngũ diễn viên.