Văn hóa - Du lịch

Hát xoan - Di sản quý của người dân đất Tổ

Minh Anh 18/04/2024 - 08:10

Trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam, hát Xoan là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt, chỉ có ở vùng đất Tổ Hùng Vương. Ngay từ thuở còn thơ, người dân nơi đây đã được đắm mình trong làn điệu xoan ngọt ngào, đằm thắm, rạo rực tình đất, tình người. Với họ, điệu xoan vừa là khúc tâm tình từ trong trái tim, vừa mang bóng dáng của hồn thiêng dân tộc.

Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, thường được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mua vui mà còn để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và cùng nhau chúc tụng Vua Hùng. Qua hàng nghìn năm lịch sử, hát Xoan cũng gắn liền với lễ hội và nhu cầu tâm linh trong cuộc sống của người dân.

hat_xoan_phu_tho_di_san_van_hoa.jpg
Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa hưởng di sản hát Xoan do đời trước truyền lại, hằng năm, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ trước Miếu Lãi Lèn, (xã Kim Đức, TP Việt Trì) và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng, báo công với các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước.

Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần ba tháng. Trải qua bao thắng trầm của lịch sử, hát Xoan vẫn trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền. Và mỗi độ Tết đến Xuân về, vùng đất Tổ Vua Hùng lại rộn ràng những làn điệu Xoan truyền thống, làm vui lòng du khách thập phương.

Trước đây, khi là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, nhiệm vụ quan tâm hàng đầu là làm sao để di sản tồn tại và không bị biến mất. Bởi vậy, tỉnh Phú Thọ đã tập trung công tác phục hồi, tu bổ di tích và đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận.

Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường Xoan đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh; 20/30 di tích không gian văn hóa thực hành hát Xoan được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đáp ứng yêu cầu thực hành di sản hát Xoan; các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản.

hat_xoan_phu_tho_hap_dan.jpg
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: Hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc.

Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội, phường Xoan Phù Đức, Kim Đức bày tỏ: “Từ khi hát Xoan trở thành di sản đại diện của nhân loại, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ trẻ, để đưa Xoan lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng xã hội.

Ở các làng Xoan cổ hiện đã hình thành ba thế hệ hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ đầy triển vọng. Đây chính là lực lượng nòng cốt, có thể thay thế các nghệ nhân cao niên để tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ khi hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hòa chung trong niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ là trăn trở làm sao tìm ra hướng đi tốt nhất, nhanh nhất để đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Kết quả chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi hát Xoan được vinh danh, ngày 13/2/2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Chương trình Hành động về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012 đến 2015.

Tiếp đó, ngày 7/11/2013, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013-2020” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh đặc biệt chú trọng việc tu bổ, tôn tạo lại các di tích liên quan đến hát Xoan, tạo không gian riêng cho hát Xoan. Đến nay toàn tỉnh đã phục hồi 20 di tích gắn với hát Xoan. Riêng ở các làng Xoan gốc, 100% di tích đình, miếu gắn với Hát Xoan đã được phục hồi. Đặc biệt di tích Miếu Lãi Lèn là di tích gốc, là nơi phát tích của di sản hát Xoan đã được phục hồi và đưa vào sử dụng, di tích này vừa là nơi thờ tự, là nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy, thực hành nhưng cũng là nơi trưng bày như một “Bảo tàng” về hát Xoan và trở thành một điểm tham quan cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về di sản hát Xoan.

hat_xoan_phu_tho_nhe_nhang_1.jpg
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: Hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc.

Có thể khẳng định, việc UNESCO chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn khẳng định thành quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Hát Xoan Phú Thọ đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hát xoan - Di sản quý của người dân đất Tổ