Hành vi cản trở hoạt động tố tụng có thể bị phạt tới 80 triệu đồng

Nguyên Bình| 15/08/2022 12:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm, tối đa lên tới 80 triệu đồng.

Trong Phiên họp chuyên đề pháp luật sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh này.

03035156622aa774fe3b.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH xem xét gồm có 4 chương, 45 điều. Qua nghiên cứu, rà soát, UBTP cũng đánh giá, dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản thống nhất với Luật XLVPHC, các luật, pháp lệnh có liên quan. Đồng thời, các quy định của dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn thi hành, đáp ứng mục đích, yêu cầu của việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Các hình thức và mức độ xử phạt

Dự thảo Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, gồm các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.

Dự thảo pháp lệnh cũng quy định phạt tiền đối với các hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối…;

Người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nào làm ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án hành chính; vụ việc dân sự; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bắt giữ tàu bay, bắt giữ tàu biển không khách quan, không đúng pháp luật.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án. Dự thảo cũng quy định mức phạt đối với nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa khi chưa được phép của HĐXX…

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh còn quy định nhiều mức phạt tương ứng với các hành vi vi phạm cụ thể khác.

Đại đa số các ý kiến đồng thuận

Báo cáo thẩm tra của UBTP, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, sau khi thẩm tra, cơ quan này đánh giá, quy định dự thảo Pháp lệnh về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng cơ bản đầy đủ, chính xác và bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự .

202207221229124190_07142ct-23-.jpg
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga tại phiên họp.

Ngoài hành vi đã được quy định trong 03 luật tố tụng nêu trên, dự thảo Pháp lệnh cụ thể hóa một số hành vi trong trường hợp các luật tố tụng quy định chung, chưa mô tả chi tiết hoặc có quy định một số hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, nhằm bảo đảm nguyên tắc “chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh đã cụ thể hóa các hành vi cản trở tố tụng phù hợp với quy định của Pháp lệnh số 01, Pháp lệnh số 09 và pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (các điều từ 9 đến 24), UBTP tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh.

Các mức phạt tiền quy định trong dự thảo cơ bản cân đối với mức phạt tiền quy định trong các nghị định của Chính phủ đối với hành vi có tính chất tương đồng; bên cạnh đó, các mức phạt cũng bảo đảm phù hợp giữa thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC với tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

Dự thảo Pháp lệnh quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng do Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện có mức phạt cao hơn so với những người tham gia tố tụng khác là phù hợp, vì: quy định này chỉ áp dụng đối với Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia trong vụ án, vụ việc với tư cách là người bào chữa, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Trong quá trình hành nghề, họ phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; góp phần bảo vệ công lý, công bằng. Nếu Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý lợi dụng vị trí, kiến thức, trình độ am hiểu pháp luật để vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền trong chính vụ án, vụ việc mà họ tham gia hành nghề, thì cần phải xử phạt nghiêm. Đồng thời, các mức phạt trong dự thảo Pháp lệnh cũng tương ứng với các mức xử phạt trong Nghị định của Chính phủ liên quan đến hành nghề luật sư, trợ giúp pháp lý.

Về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 07 cơ quan gồm: Tòa án nhân dân; Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.

UBTP cơ bản tán thành với quy định nêu trên vì đã bảo đảm nguyên tắc phải phù hợp với quy định của Luật XLVPHC.

Riêng về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, số ý kiến đồng thuận. Vì hành vi cản trở hoạt động tố tụng tác động trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó, việc quy định chỉ các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đồng thời thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Nếu không đồng thời giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND sẽ dẫn đến một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương có mức phạt tiền trên 20 triệu đồng đều phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an (vì Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền phạt đến 20 triệu đồng), dẫn đến nhiều bất cập trong việc bảo đảm thời hạn chuyển biên bản và ra quyết định xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng có thể bị phạt tới 80 triệu đồng