Tiếp tục hành trình tri ân, Đoàn công tác Báo Công lý đã đến dâng hương tại Khu di tích Truông Bồn thăm quê hương Bác Hồ. Những địa danh không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Nghệ An mà còn là nơi giữ mãi những huyền thoại, gắn liền với những năm tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của quân và dân Việt Nam.
Tiếp tục hành trình tri ân, Đoàn công tác báo Công lý đã đến dâng hương tại Khu di tích Truông Bồn và đến thăm quê hương Bác Hồ. Những địa danh không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Nghệ An mà còn là nơi giữ mãi những huyền thoại, gắn liền với những năm tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của quân và dân Việt Nam.
Truông Bồn được xây dựng trên diện tích gần 22ha, nằm ở tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là một thung lũng chạy dài giữa hai dãy núi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tính theo chiều dài Bắc-Nam, địa danh này bắt đầu từ Cầu Om đến dốc U Bò, với trung tâm là khe Vực Chỏng và khép lại ở điểm nút phía nam tại dốc Kỳ Lợn.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Truông Bồn là nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong tổng thể tuyến đường giao thông chiến lược Bắc-Nam. Truông Bồn là một trong những điểm tập kết hàng hóa, vũ khí lớn của miền Bắc.
Do đặc thù của chiến tranh và yêu cầu về quân sự, Truông Bồn trở thành "yết hầu" giao thông, nơi luôn có mức độ tập trung cao các tuyến vận tải qua địa bàn Nghệ An tiến vào Ngã ba Đồng Lộc, để từ đó tạo lập nguồn hàng chủ đạo cho toàn tuyến vận tải Trường Sơn.
Đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt. Dốc Truông Bồn, dốc Kỳ Lợn, Ba Hàng, Cầu Đòn, Cầu Cao, Cầu Thấp, phà Nam Đàn, đò Vạn Rú, núi Trét (Nam Đàn), phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... là những túi bom đạn mà đủ loại máy bay Mỹ ném xuống suốt ngày đêm.
Chỉ tính từ năm 1964 - 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 20.000 quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa. Trung bình mỗi kilomet đã phải hứng chịu hơn 4.000 quả bom. Truông Bồn vốn là đỉnh núi cao 70m so với mặt biển, sau nhiều năm đánh phá ác liệt Truông Bồn đã trở thành bình địa, độ cao chỉ còn hơn 30m so với mặt biển.
Với số lượng bom đạn khủng khiếp như vậy, Truông Bồn được ví là hố bom của miền Bắc. Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề, nhưng hàng vạn con người nơi đây đã vượt lên bom đạn, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa.
Với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, chúng ta đã giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu m³ đất đá, đưa hơn 94.000 lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam.
Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 317 ngày 31/10/1968.
Mất mát to lớn hơn khi cả tiểu đội sắp hoàn thành nghĩa vụ sau 3 năm, 4 đội viên trong "Tiểu đội thép" đã có giấy gọi đi học ở Hà Nội. Nhưng các chị đã xin được ra mặt đường làm thêm ngày cuối cùng, sửa lại đoạn đường thật đẹp làm kỷ niệm trong giờ phút chia tay. 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép" do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng nhận được mệnh lệnh "Bằng mọi giá phải mở đường máu" để cho đoàn xe quân sự đi qua Truông Bồn trước khi trời sáng.
Đến 6 giờ 10 phút, khi công việc nặng nhọc sắp hoàn thành thì bất ngờ một tốp máy bay địch lao tới trút 152 quả bom. Truông Bồn chìm trong khói lửa trong ngổn ngang mảnh bom và đất đá. Ngớt tiếng bom, Đại đội thanh niên xung phong 317 cùng các đơn vị bạn dồn sức đào bới, tìm kiếm các chị, các anh. Cả tiểu đội còn 1 người sống sót duy nhất là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.
11 nữ thanh niên xung phong gồm Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đoàn Thị Bốn, Thái Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Đinh Thị Vinh và 2 nam là Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa của "Tiểu đội thép" đã hy sinh.
Các anh, các chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 22 tuổi. Người ít tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Hoài mới 17 tuổi và chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc lứa đôi.
Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã gạt qua bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ, niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho Tổ quốc.
Đó là kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình, để viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX.
Đất nước ta đã sạch bóng quân thù để xây dựng và phát triển. 54 năm qua, thời gian có thể dần xóa mờ vết thương chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ nỗi đau và niềm tự hào của một dân tộc với những thế hệ anh hùng trong kháng chiến.
Truông Bồn là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ để phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó có sự đóng góp xứng đáng của hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội TNXP thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên "Tọa độ chết" năm xưa.
Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay đã và đang được đầu tư, xây dựng ngày càng khang trang hơn, xứng đáng với sự cống hiến và hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, trở thành "Địa chỉ đỏ" giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống cách mạng, là nơi hằng ngày đón tiếp nhiều người dân cả nước đến thăm viếng 1.240 cán bộ, chiến sĩ và 13 TNXP "Tiểu đội thép" anh hùng.
Ngày 12/1/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.
Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An - trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh.
Khi chiến tranh đã đi xa, cuộc sống đã được hồi sinh mạnh mẽ ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay đã được xây dựng lại bề thế, khang trang. Mảnh đất bạc màu hoà lẫn máu xương của thế hệ cha anh đi trước đã và đang được hồi sinh thành không gian xanh mướt của cỏ cây, thơm nồng hoa lá của thế hệ trẻ hôm nay như một sự tri ân, tiếp nối của sự sống trên mảnh đất anh hùng.
Để phát huy giá trị Di tích Truông Bồn, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Quá trình triển khai dự án, tỉnh đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình với tổng kinh phí 365 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa.
Năm 2014, tỉnh Nghệ An quyết định thành lập Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Hàng năm, Khu Di tích tổ chức đón tiếp khoảng 400.000 lượt khách từ khắp mọi miền cả nước. Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, là địa chỉ du lịch tâm linh trọng điểm của Nghệ An.
Để vừa nắm bắt xu thế phát triển công nghệ số, vừa phát huy được giá trị lịch sử của Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, Ban quản lý đã sáng tạo, tiên phong trong việc sử dụng sử dụng sa bàn điện tử. Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia Truông Bồn cho biết:
“Chuyển đổi số là tất yếu của xã hội và xu thế của nhân loại. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã vận dụng ưu thế của công nghệ số trong công tác quản lý điều hành hoạt động như: Cập nhật các thông tin lịch sử, thông tin hoạt động, các đoàn thăm viếng, hình ảnh, phim, âm nhạc… về Truông Bồn trên website của đơn vị.
Hiện nay, website Truông Bồn có lượng người truy cập khá lớn, gần 10 triệu lượt, du khách, nhân dân có thể tham khảo tư liệu, tìm hiểu thông tin về Truông Bồn nhanh chóng, dễ dàng, chính thống và chính xác. Bên cạnh đó, công tác đăng ký đoàn cũng được triển khai nhanh chóng, chuẩn bị chu đáo do các đoàn đăng ký trực tuyến, liên hệ qua số hotline, nhờ đó công tác đón tiếp ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, Ban Quản lý đang vận hành và sử dụng sa bàn điện tử, là mô hình công nghệ tích hợp nhiều yếu tố công nghệ, mô phỏng lịch sử Truông Bồn thông qua các hoạt cảnh thực, kết hợp âm thanh, hình ảnh tạo hiệu ứng sinh động, tái hiện cảnh sinh hoạt, chiến đấu của lực lượng TNXP trên tuyến lửa Truông Bồn, thu hút rất nhiều khách tham quan, theo dõi.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Di tích sẽ triển khai công nghệ số, cung cấp dịch vụ du lịch online, xây dựng tour du lịch ảo, du lịch mô phỏng thông qua tái tạo hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc tường thuật, mô tả, văn bản, công nghệ mới được ứng dụng làm cốt lõi của hệ thống như ảnh 360, video 360, ảnh Panorama, ảnh Flycam… Từ đó, tạo điều kiện cho khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm tham quan và khơi dậy nguồn cảm hứng cho hành trình về với Truông Bồn…”
Trong chuỗi hành trình tri ân “miền đất lửa” của Đoàn công tác Báo Công lý do đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh làm Trưởng đoàn đã tri ân, thăm lại quê Bác Hồ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Làng Sen trong tâm trí của nhân dân trong vùng vẫn luôn là ngôi làng yên bình dù đã trả qua bao năm tháng. Sở dĩ được gọi là làng Sen bởi nơi đây ngoài khung cảnh quen thuộc như bến nước, gốc đa, sân đình, lũy tre làng như bất cứ làng quê nào ở Việt Nam, thì làng Sen còn đặc biệt nổi bật với những hồ Sen, đầm Sen dày đặc, bung nở toả hương khi vào mùa hè, tạo nên một cảnh quan đặc biệt cho nơi đây.
Đi qua hồ sen sẽ tới giếng Cốc - nơi khi xưa Bác Hồ vẫn thường đi lấy nước cũng như vui chơi cùng bạn bè. Và tiếp đó, dưới nếp nhà tranh mộc mạc nơi “làng Sen quê Cha”, Bác đã có những tháng năm tuổi thơ không quên.
Những kỷ vật bình dị và mộc mạc với án thư, tấm phản thường ngày cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác ngồi dạy học; chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen… tất cả đều bộc lộ một nếp sống đơn sơ, giản dị, gắn bó với làng quê của cả gia đình người lãnh tụ vĩ đại. Và cũng có lẽ rằng sự gắn bó, gần gũi ấy đã sớm rèn rũa cho Bác một đức tính cần kiệm, liêm khiết, một lòng vì nhân dân phục vụ.
Cùng với làng Sen thì Hoàng Trù cũng là điểm đến quan trọng tiếp theo. Làng Hoàng Trù - Quê ngoại của Bác nằm cách làng Sen khoảng 2km, đây cũng chính là nơi vị lãnh tụ vĩ đại chào đời. Làng Hoàng Trù còn được gọi với cái tên khác là làng Chùa, nơi thân sinh ra thân mẫu Bác Hồ - cụ bà Hoàng Thị Loan, cũng chính tại ngôi làng này mà cha và mẹ Bác trở thành một gia đình.
Nơi ấy, Bác đã sống những năm tháng tuổi thơ trong tiếng ru à ơi của mẹ, trong câu chuyện kể của bà. Nơi ấy, những lời dạy bảo nghiêm khắc của ông, của cha; của “người thầy đầu tiên” - Vương Thúc Quý, đã nâng những giấc mơ, bồi đắp tâm hồn để hình thành nên một nhân cách Hồ Chí Minh sau này.
Kết thúc cuộc hành trình tri ân, những khoảnh khắc sống cùng với hoài niệm, thấu hiểu lịch sử và chiêm nghiệm “miền đất lửa” và về tương lai đã được từng thành viên Đoàn công tác Báo Công lý cảm nhận trong suốt 4 ngày. Để càng hiểu hơn sự mất mát, những cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, của những người dân nơi đây.
Như cách mà Đồng chí Lê Duẩn đã tôn vinh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Trích bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành Cổ).
Sau cuộc hành trình tri ân cũng là dịp đoàn cán bộ, viên chức, người lao động Báo Công lý thêm một lần để nhắc nhở mình và mọi người hôm nay phải sống sao cho xứng đáng, để quá khứ làm động lực giúp mình cố gắng nhiều hơn, trách nhiệm hơn với hiện tại và tương lai.
Cùng ngày, đoàn công tác của Báo Công lý đã tổ chức trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tới một gia đình ở tỉnh Nghệ An, trị giá 50 triệu đồng.
Đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập báo Công lý Trần Đức Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã có nhiều đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mong các mẹ giữ gìn sức khỏe, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con, cháu cũng như thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, học tập, rèn luyện và noi theo.
Đoàn cũng trao 10 suất quà tặng các con của công chức TAND hai cấp tỉnh Nghệ An. Mỗi phần quà gồm 1 chiếc xe đạp trị giá 2 triệu đồng. Nhận quà tặng của Báo Công lý, các em cảm thấy vui và phấn khởi. Tuy món quà có trị giá không lớn nhưng sẽ là phương tiện giúp hành trình đến trường của các em bớt gập ghềnh hơn, tiếp thêm động lực, khích lệ để các em tiếp tục nỗ lực vượt khó, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Thực hiện: Tuyết Nhung, Quỳnh Mai
Ảnh: Mai Đỉnh, Nguyễn Dương