Tính cách của trẻ không phải đứa nào cũng hư và khiến cho bố mẹ khó chịu. Tất cả đều là sự phản ánh từ những hành động hay cách giáo dục của bố mẹ đối với chúng.
1. Không kiên trì với hành động của mình
Khi bạn yêu cầu trẻ làm một điều gì. Bình thường trẻ sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu đó ngay lập tức. Thậm chí còn khóc và giận dữ nếu không cho chúng làm những điều chúng thích. Trong trường hợp này, nếu bạn đầu hàng để trẻ có những điều chúng muốn thì vô tình bạn đang tạo một thói quen xấu với con của mình.
Ví dụ: Bạn muốn trẻ im lặng khi đang nói chuyện hay đang có việc, bạn đưa chúng một thiết bị điện tử, từ lần sau chúng nghĩ rằng sẽ nói to hay làm lớn chuyện để được chơi điện thoại hay xem tivi như lần trước.
2. Hành động không đi cùng lời nói
Đây là một lỗi thường gặp của các bậc làm cha làm mẹ. Để con có thể ngoan ngoãn đi học bạn hứa sẽ đưa chúng đi chơi vào cuối tuần. Bạn cứ nghĩ rằng chúng sẽ chỉ nhớ và hứng khởi trong thời điểm đó thôi, nhưng bạn đã nhầm, thực chất trẻ con nhớ lâu hơn chúng ta rất nhiều. Đến cuối tuần, chúng không thấy bạn cho đi chơi, chúng sẽ hỏi. Khi đó chỉ vì không chuẩn bị và không nhớ ra kế hoạch đó, bạn đã quên rồi hứa với chúng lại những lời hứa không có giá trị như vậy. Hành động này khiến con mất niềm tin vào lời nói của bạn, nên từ những lần sau dù có muốn con làm gì hay bạn đưa ra một lời đề nghị nào chúng đều không cảm thấy hứng thú nữa.
Tránh dùng bạo lực, không phạt con khi đang tức giận
3. Những lời đe dọa thành câu nói quen thuộc
"Nếu con không ăn, mẹ sẽ gọi cảnh sát"; "Nếu con không học bài mẹ sẽ không cho xem tivi"... Rất nhiều câu dọa mà bố mẹ hay dùng mỗi khi bắt con phải thực hiện một điều gì đó chúng không thích. Nhưng chúng chỉ có giá trị một vài lần thôi. Đến khi những câu đe dọa đó bị lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí không thực hiện thì các con sẽ cảm thấy chai lỳ với nó. Chúng còn có thể suy nghĩ: "không sao đâu, vì bố mẹ sẽ không làm như vậy".
4. Bào chữa cho con một cách vô thức
Đã là cha là mẹ thì các con luôn là những đứa trẻ đáng yêu, chúng luôn vô tội trong mọi trường hợp. Nhưng bạn có biết rằng, việc bào chữa của bạn về một hành động không đúng sẽ làm cho chúng có một suy nghĩ muốn đổ thừa và ỷ lại. "Chúng mới chỉ là một đứa trẻ"; "Chúng đang rất đói". ....và trẻ sẽ dựa vào những câu bào chữa này để có thể thoải mái làm bất cứ điều gì mình thích.
5. Đánh đòn
Theo các nghiên cứu khác nhau, nếu một đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên thì sẽ trở nên hung hăng hoặc nhút nhát. Thậm chí, sự tự trọng của chúng cũng giảm sút. Những đứa trẻ sống trong gia đình dạy con kiểu này thường sẽ tìm cách làm thế nào để tránh được đau đớn hơn là hiểu được điều cần thiết phải thay đổi hành vi.
6. Luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh
"Con không ngoan, con không học giỏi vì gia đình không có điều kiện giáo dục con được tốt, vì nhà không đủ khá giả để có thể cho con đi học thêm chỗ này hay chỗ kia." Bạn luôn muốn đổ lỗi cho hoàn cảnh bởi những gì đang xảy ra như một thực tại khó thể thay đổi. Nhưng đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Một người mẹ nghèo cũng có cách dạy con của họ. Một người ăn xin cũng có cách giáo dục con riêng của họ. Chính vì vậy, hãy đối diện với sự thật và hãy quan tâm đến các con của bạn hơn nếu không muốn chúng trở thành những đứa trẻ hư trước khi quá muộn. Bới chúng sẽ lớn lên và trưởng thành theo đúng những gì bạn và xã hội dậy cho chúng.