Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?

Thanh Phương| 30/07/2016 09:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, hàng trăm giếng nước phục vụ sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn xã Lâm Xa và Lương Ngoại, huyện Bá Thước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy mà chưa xác định được nguyên nhân.

Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân chính là nhà máy thủy điện Bá Thước 2, do Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư, tiến hành ngăn dòng, tích nước thì nguồn nước giếng bắt đầu đổi màu, có mùi rất khó chịu, còn trước đây, người dân vẫn dùng nguồn nước này để sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên những căn cứ khoa học để chứng minh nguyên nhân làm nước ô nhiễm thì chưa có câu trả lời.

Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?

Nguồn nước của người dân Bá Thước bị ô nhiễm

Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, công trình thủy điện Bá Thước 2 đã ngăn đập và đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2013, phạm vi vùng lòng hồ thuộc địa phận 8 xã: Thiết Ống, Lâm Xa, Ái Thượng, Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung, Điền Lư và Lương Ngoại.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên một số giếng nước sinh hoạt tại các khu dân cư vùng phụ cận lòng hồ có mùi hôi tanh, không sử dụng được. Cụ thể, tại xã Lâm Xa có 92 giếng, xã Lương Ngoại có 43 giếng.

Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?

Báo cáo của UBND huyện Bá Thước

Người dân các khu vực trên đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với UBND các xã và Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tổ chức xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên do chưa đủ các điều kiện về chuyên môn nên hiện nay UBND huyện vẫn chưa xác định cụ thể được các nội dung trên.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bá Thước đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban ngành chuyên môn cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xác định mức độ, nguyên nhân ô nhiễm tại các giếng nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2; đồng thời có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho người dân có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?

Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 tích nước có gây ô nhiễm?

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Võ Minh Khoa cho biết: “Đoàn liên ngành của tỉnh đã đi thực tế, lấy mẫu ở các giếng nước. Giếng của bà con hay đậy nắp kín, bao giờ cũng hấp hơi; thứ hai là vệ sinh môi trường, một số chuồng trại, ao hồ gần giếng cũng không tránh khỏi, không loại trừ việc tích nước của thủy điện Bá Thước 2 làm phân hủy của các thảm thực vật. Nhưng đó chỉ mới là những nhận định ban đầu của cơ quan chức năng".

Ông Lê Văn Đại, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa cho hay: “Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa cũng như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai luôn xác định lấy sự ổn định phát triển của người dân địa phương nơi dự án đầu tư lên hàng đầu. Ngay khi có thông tin nguồn nước ô nhiễm, chúng tôi đã tích cực hợp tác với ngành chức năng và chính quyền địa phương để giải quyết. Dù nguyên nhân do đâu, công ty cũng có cơ chế hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp".

Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?

Hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản ngâm ủ hóa chất độc hại

Điều căn cơ nhất là tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng xác định “thủ phạm” gây ô nhiễm, từ đó mới có giải pháp triệt để. Về lâu dài, cần cân nhắc phương án đầu tư nhà máy nước sạch cung ứng cho người dân.

Một phần không thể thiếu là tăng cường kiểm tra, giám sát hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản không chỉ trong tỉnh mà từ các địa phương khác như Hòa Bình, Sơn La… đang ngày ngày đầu độc sông Mã.

Trong quá trình sản xuất, các cơ sở đã sử dụng hóa chất độc hại để ngâm ủ, hấp sấy sản phẩm. Sau đó, nguồn nước thải không qua xử lý được xả thẳng xuống sông gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?

Nước thải xả thẳng ra môi trường mà chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Chỉ tính riêng huyện Quan Hóa (gần nhà máy thủy điện) đã có 25 xưởng sản xuất, chế biến luồng, trong đó có 6 xưởng chế biến bột giấy, còn lại làm tăm, đũa. Gần đây, cơ quan chức năng đã xử phạt 4 cơ sở Hoàng Vân, Xuân Dương (xã Hồi Xuân), 1 xưởng ở xã Xuân Phú, Công ty Duyệt Cường (doanh nghiệp Loan) bị xử phạt 320 triệu đồng vì có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 10 lần, mức độ xả thải từ 200 - 400m3/ngày, bốc mùi hôi thối khó chịu. Công ty này đã xả thải trực tiếp nguồn nước chưa qua xử lý ra sông suối khiến sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm giếng nước của người dân ô nhiễm do đâu?