Qua khảo sát, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đánh giá có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nguy cơ cháy, nổ rất cao, nhất là vào mùa nắng nóng.
Mùa hè đến điều kiện thời tiết oi bức, kết hợp nền nhiệt cao khiến nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cao. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC), Công an tỉnh đã và đang chủ động khẩn trương thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm an toàn PC, bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức và nhân dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 381 cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy, nổ. Phần lớn các cơ sở này tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, hoạt động ở các lĩnh vực may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, cơ khí chế tạo, in ấn xuất bản…
Quá trình hoạt động thường tập trung số lượng lớn nguyên vật liệu dễ cháy như vải, máy móc, hàng hóa, thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ. Trong khi đó, số công nhân, người lao động làm việc tại đây rất lớn, lên đến hàng nghìn người.
Qua công tác kiểm tra an toàn PC hằng năm, hầu hết các cơ sở kinh doanh, sản xuất đều tuân thủ nghiêm túc các quy định của nhà nước về PC. Trong đó nhiều cơ sở đã đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền kiến thức, tập huấn kỹ năng PC cho người lao động.
Mặt khác, hầu hết người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác PC… Tuy nhiên, tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm quy định về PC vẫn còn xảy ra.
Phổ biến nhất là trong đầu tư xây dựng công trình, nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh, như: Chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PC nhưng đã đưa công trình vào hoạt động; công trình không đảm bảo đường, lối thoát nạn; chưa trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy,… dẫn đến nguy cơ cháy nổ, tại nạn, sự cố tại những nơi này là rất cao.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung tuyên truyền và tăng cường công tác tập huấn kỹ năng về PC cho chủ cơ sở và người lao động.
Ngoài phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, khu dân cư, năm 2024, Phòng Cảnh sát PC đã tổ chức 5.594 buổi tuyên truyền kiến thức, trực tiếp hướng dẫn kỹ năng PC, kỹ năng thoát nạn, phòng chống tai nạn đuối nước cho 797.339 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2024 đến nay, qua kiểm tra đã phát hiện 134 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu được xác định gồm: Vi phạm quy định thẩm duyệt nghiệm thu PC, lắp đặt quản lý sử dụng điện; vi phạm về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện PC; vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vi phạm quy định số về đường, lối thoát nạn…
Theo Thượng tá Lê Như Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đơn vị đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, đơn vị đã chủ động rà soát, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh khắc phục những tồn tại, hạn chế, vi phạm về PC.
Đến tháng 12/3/2025 đã có 154/286 công trình có tồn tại, hạn chế về an toàn PC đã hoàn thành việc khắc phục. Thông qua đó vừa góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo thực thi pháp luật về PC.
Trong thời gian tới Phòng Cảnh sát PC tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác PC trong tình hình mới. Phối hợp chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, chữa cháy cho người dân.
Tiếp tục hướng dẫn người đứng đầu cơ sở các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các công trình hiện hữu đã xây dựng còn tồn tại, vi phạm các quy định về PC.
Bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PC. Rà soát, đánh giá việc thực hiện và duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Qua đó tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ và kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Bênh cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp PC, chủ động sẵn sàng các phương án khi xảy ra sự cố. Phòng hơn chống để giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bởi hậu quả khi xảy ra hỏa hoạn là rất lớn, thời gian khắc phục kéo dài.