Hàng nghìn vụ cháy và hàng trăm người thiệt mạng, bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức?

Trọng Bằng| 13/11/2019 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

ĐBQH đặt ra câu hỏi trên tại phiên giám sát tối cao về kết quả giám sát hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, sáng nay (13/11) và cho rằng, cơ quan chức năng cần dừng đổ lỗi để nhận trách nhiệm và có những giải pháp phù hợp hơn.

Thảo luận Báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, các ĐBQH dành sự quan tâm đặc biệt đối với trách nhiệm để xảy ra tình trạng cháy, nổ thời gian vừa qua.

Có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức?

ĐBQH Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, Báo cáo giám sát viết: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy trong giai đoạn 2014 – 2018 đã được quan tâm, triển khai thực hiện khá đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến cơ sở, có sự tham gia của MTTQ cũng như các tổ chức đoàn thể. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền có bổ sung, thay đổi để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, vùng miền. Đồng thời báo cáo giám sát cũng đưa ra nhận định xác đáng rằng, hiệu quả tuyên truyền chưa cao, làm nhiều nhưng đọng lại ít, mới chỉ tập trung tuyên truyền ở các địa bàn thành phố, thị trấn, còn ở địa bàn xa thì chưa thực sự được quan tâm, thậm chí có nơi còn bỏ trống, người dân ít được tuyên truyền hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó.

Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, đặc biệt là cho chính quyền các cấp là trong bối cảnh chúng ta còn chưa đủ nguồn lực, còn thiếu kinh phí cho hoạt động này, vậy màkhi tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó, làm cho có thì làm sao đạt được hiệu quả như mong muốn?

Dẫn Báo cáo của Bộ Công an, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy; 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Cao Thị Xuân đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người dân nắm được, hiểu được và thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn này? Nếu không thì những nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu xung quanh cuộc sống của chúng ta.

Theo đại biểu Cao Thị Xuân thì nguyên nhân chủ quan không chỉ có vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, yếu kém mà một vấn đề rất quan trọng là bảo đảm thực thi pháp luật phòng cháy, chữa cháy đang đặt ra nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh.

Báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ rõ, hiện nay chúng ta còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Hàng nghìn vụ cháy và hàng trăm người thiệt mạng, bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức?

Đại biểu Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận sáng ngày 13/11

Vậy tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ an toàn cháy nổ?, đại biểu nêu một loạt câu hỏi và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về PCCC theo đúng quy định.

Nêu lại vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy hậu quả thương tâm cách đây 3 năm, đại biểu Cao Thị Xuân cho biết, khi đó báo chí đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý thế nào khi quán chưa được nghiệm thu PCCC đã tự ý hoạt động kinh doanh. Tương tự là các nhà hàng, nhà nghỉ, khu chợ có hay không tiêu cực trong cấp phép, kiểm tra, giám sát?

“Hàng nghìn vụ cháy xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, nhưng bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức, bị xử lý liên quan trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác PCCC?”, đại biểu Xuân đặt vấn đề và cho rằng xử lý cán bộ không tương xứng với tồn tại, vi phạm, sai phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vừa qua.

“Qua giám sát lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và bịt lại, kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù, nhưng lỗ hổng nhận thức, khoảng trống trách nhiệm cần có giải pháp đích đáng để lấp đầy”, nữ đại biểu đoàn Thanh Hoá bày tỏ và đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội tới đây cần quy định một điều tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ về PCCC.

Dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thực trạng PCCC được báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đưa ra không mới, nguyên nhân cũng không bất ngờ song đã cho thấy cái nhìn toàn thể đối với thực tế hiện nay.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, ĐBQH cho rằng, việc thể hiện tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy không chỉ thể hiện ở Nghị quyết, trên văn bản, mà phải cụ thể bằng hành động, cách làm cụ thể. Công tác PCCC được xác định “phòng là chính”, đặc biệt phải có những giải ngăn ngừa từ các bên liên quan, từ cơ quan chức năng và nhất là người dân.

Dẫn trong dân gian có câu “nhất thủy, nhì hỏa”. Tuy nhiên nếu việc phòng chống lũ lụt có “dự lệnh”, tức là có dấu hiệu nhận biết những vùng nào có nguy cơ cao, địa điểm nào có nguy cơ cao thì việc phòng, chống cháy nổ lại hầu như không có “dự lệnh”, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và có quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Đặc biệt, nguyên nhân lũ lụt thường phụ thuộc vào địa hình, địa lý, khí hậu thì nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn lại chủ yếu từ phía con người, từ sự bất cẩn, lơ là, từ sự thiếu trách nhiệm.

Như vậy, đại biểu đề nghị, trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động của các cá nhân, đơn vị trong phòng, chống cháy nổ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Đó là lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn. Tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu nhận thấy có sự chồng chéo, bấp cật, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực.

Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện. Lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ, cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít.

Thực tế khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng.

Cháy quán karaoke ở một địa phương thì ở các địa phương khác rà soát phòng, chống cháy nổ ở đây. Cháy chung cư ở một địa phương thì người dân, cũng như chính quyền ở các địa phương khác mới quan tâm, lo lắng giám sát nhiều hơn.

Đáng buồn khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành.

Đây là văn hóa đổ lỗi trong quy trách nhiệm. Nhấn mạnh thực tế này, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chúng ta phải nhìn thẳng vào các tồn tại, bịt ngay lỗ hổng trong công tác xây dựng lập pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát thực hiện. Hơn hết là hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn.

Đại biểu cũng kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát PCCC cần làm rõ yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý đối với một số loại hình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao.

Thứ nhất là, hệ thống trường học, nhất là nhóm trẻ mầm non, gửi ở gia đình, vì đây là những đối tượng rất bé, kỹ năng tự phòng chống cháy nổ khó khăn.

Thứ hai là, các công trình văn hóa, di tích, đền chùa cổ có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở những địa điểm này, cũng như có nhiều vật liệu dễ cháy, cũng như ở các thư viện có chứa nhiều sách. Trên thực tế có nhiều di tích từng bị cháy khiến những di vật có giá trị lịch sử không thể phục hồi.

Thứ ba là, cần quan tâm nhiều hơn đến hệ thống chung cư bởi theo thống kê bước đầu trên cả nước có khoảng 3 nghìn tòa chung cư, tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn vụ cháy và hàng trăm người thiệt mạng, bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức?