Những ngày này, miền Bắc đang đón một đợt rét đậm rét hại diện rộng, kéo dài và đạt mức rét kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Hàng loạt các khu vực núi cao đã xuất hiện băng giá, mưa tuyết gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.
Từ đêm 23/1, nhiệt độ hầu khắp các tỉnh, thành Bắc Bộ đều giảm mạnh, đến sáng 24/1, các khu vực núi cao như Mẫu Sơn, Sa Pa, Tam Đảo, Đồng Văn, Y Tý… nhiệt độ xuống âm độ và xuất hiện băng giá, mưa tuyết phủ trắng núi rừng.
Trước tình hình mưa rét, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 153/CĐ-TTg về việc chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại, yêu cầu các địa phương triển khai việc chống đói, rét cho đàn gia súc, thông báo, cập nhật diễn biến thời tiết cho bà con để chủ động có các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cho người, gia súc và ngành nông nghiệp.
Được biết, lãnh đạo UBND, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp chính quyền, các Sở, ban, ngành, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách để phòng chống rét cho người, vật nuôi và cây trồng.
Ngành nông nghiệp cũng đã có kế hoạch tuyên truyền, nhằm hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống rét cho đàn gia súc gồm trâu, bò, dê… và gia cầm. Nhắc nhở bà con làm chuồng trại, che chắn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra.
Trâu chết vì không chịu nổi rét
Tuy nhiên, trong đợt rét vừa qua, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều tỉnh cũng đã đưa ra được mức thiệt hại ban đầu.Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, đến trưa ngày 25/1, đã có 428 con gia súc gồm trâu, bò, dê của huyện Bình Liêu bị chết. Số gia súc chết tập trung ở các xã Đồng Tâm, Vô Ngại và Đồng Văn.
Tại huyện Sa Pa (Lào Cai) 7 con trâu bị chết; tại xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, Điện Biên), một trong những địa phương có vị trí địa lý cao nhất của tỉnh Điện Biên, gần với đèo Pha Đin, đã có 5 con trâu, bò của bà con nông dân bị chết rét, đây cũng là địa bàn có số trâu bò bị chết nhiều nhất tỉnh cho đến thời điểm này.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái, đến 17 giờ 30 ngày 25/1, toàn tỉnh đã có 248 con gia súc bị chết bao gồm trâu, bò, nghé, bê, ngựa, dê. Trong đó, huyện Mù Căng Chải 108 con, huyện Trạm Tấu 67 con, huyện Lục Yên 7 con, huyện Văn Chấn 62 con và thị xã Nghĩa Lộ 4 con.
Trong khi đó, số liệu từ Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đến ngày 25/1 cho thấy, đã có hơn 800 con gia súc chết do giá rét ở các địa phương, trong đó, Quảng Ninh nhiều nhất với 432, Lào Cai 194, Hòa Bình 106, Yên Bái 248….
Cho đến ngày hôm nay, tại các khu vực núi cao, nhiệt độ dù có tăng lên nhưng vẫn ở mức 0 độ C, có nơi dưới 0 độ và theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đợt rét này sẽ còn kéo dài cho đến hết ngày 27/1. Như vậy, có thể con số thiệt hại về gia súc bị chết do mưa rét vẫn chưa dừng lại ở các địa phương.
Theo dự báo băng giá, mưa tuyết sẽ còn có khả năng xuất hiện
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Cục đã có khuyến cáo, hướng dẫn người dân rất cụ thể và chi tiết công tác phòng chống rét cho trâu, bò. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bà con nông dân chủ quan, thả rông gia súc, trong đó, những con trâu, bò già yếu, sức đề kháng kém khi gặp giá rét sẽ bị chết”.
Ông Chinh cho biết thêm, Cục chăn nuôi cũng đã yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh tăng cường tuyên truyền cho người dân và nhấn mạnh: nếu người dân không thực hiện đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp, khi trâu bò chết sẽ không được hỗ trợ.
Trên thực tế cho thấy, dù được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, nhưng người dân thường chỉ dựa vào kinh nghiệm làm nông của mình trong khi chính quyền lại chủ quan, thiếu kiên quyết dẫn đến những thiệt hại đáng kể như trên.
Có thể thấy rõ ràng, người dân làm chuồng trại, nhưng số chuồng trại kiên cố, có mái che không nhiều, chủ yếu còn tạm bợ, che chắn đơn sơ bằng ni lông hoặc những bao tải dứa quây xung quanh, thói quen thả rông gia súc vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại cũng ít được bà con quan tâm, để xảy ra tình trạng lầy lội gây bệnh cho gia súc như tụ huyết trùng, cước chân dễ bị ngã, dẫn đến suy kiệt. Thậm chí, một số nơicòn chống rét không đúng cách, đó là mặc áo cho trâu bò nhưng thả rông khiến chúng dễ ngấm lạnh, hoặc sưởi ấm trâu bò bằng cách nhốt vào chuồng quá kín gió, rồi đốt trấu, mùn cưa, lõi ngô để sưởi, điều này đã khiến trâu bò ngạt khói mà chết.
Che chắn chuồng trại để chống rét cho trâu, bò
Trong điều kiện giá rét, đàn trâu, bò, nếu không được chăm sóc cẩn thận, cho ăn thức ăn không đảm bảo sẽ khó có thể cầm cự. Thường thì người dân hay cho đàn gia súc ăn thức ăn tinh, nghĩa là đã qua chế biến, do nguồn thức ăn thô, xanh tự nhiên thời điểm trời rét mướt khá khan hiếm, băng giá, mưa tuyết đã khiến cho loại thức ăn này không phát triển được. Do vậy, nếu không dự trữ đầy đủ thức ăn, gia súc sẽ bị đói mà chết.
Rét đậm, rét hại và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây hại như băng giá, mưa tuyết, sương muối hầu như năm nào cũng có.Thế nhưng, tâm lý của người dân, chính quyền cơ sở vẫn tỏ ra chủ quan, lúng túng. Quanh năm làm lụng, vất vả, chỉ một đợt thời tiết khắc nghiệt, tất cả lại quay về với bàn tay trắng.
Đối với hộ nông dân, một con trâu, bò là cả một gia sản lớn, là đầu cơ nghiệp, việc đàn trâu, bò và các loại gia súc, gia cầm khác bị thiệt hại khiến cho kinh tế nhiều hộ gia đình rất khó khăn. Và một điều đáng buồn nữa, số gia súc bị chết đều rơi vào các hộ gia đình nghèo, hầu hết vốn ban đầu đều vay của Ngân hàng chính sách xã hội hoặc vốn Dự án 30a của Chính phủ. Như thế cơ hội thoát nghèo đối với bà con lại một lần nữa không thành.