Chính trị

Hàng ngàn nhân viên xin nghỉ việc,  y tế cơ sở thiếu nhân lực trầm trọng

Mai Thoa 29/05/2023 14:31

Trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng sáng 29/5 tại Quốc hội, đại biểu cho rằng, y tế dự phòng là then chốt nhưng đang khó khăn và thiếu nhân lực trầm trọng.

Y tế xã thiếu nhân lực trầm trọng

Theo báo cáo của đoàn giám sát, công tác y tế dự phòng, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã tổ chức trạm y tế lưu động và xây dựng các bệnh viện dã chiến; bệnh viện tuyến huyện đã có đóng góp rất lớn trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

290520230826-z4385245206222_cf1f8a23ae02e2fdf024e8c2439c2406.jpg

Theo đó, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến huyện chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân được điều trị của cả nước. Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Nhân lực làm công tác y tế dự phòng được quan tâm đào tạo, phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn.

Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch COVID-19.

Có vai trò quan trọng là vậy, nhưng những cán bộ nhân viện y tế ở đây gặp không ít khó khăn. Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng. Nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn là TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Hầu hết các địa phương phản ánh tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các trạm y tế xã, trong đó, nhiều trạm y tế xã chưa có đủ số lượng nhân lực y tế theo các chức danh được quy định, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Đặc biệt, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Trong 4 năm từ 2018-2021, tổng số bác sĩ xã giảm là 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019).

Thiếu cán bộ y tế ở khu vực y tế dự phòng và một số chuyên khoa như phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng... cán bộ y tế có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh và trung ương. Nguyên nhân chính là do sự khác biệt về thu nhập cũng như môi trường làm việc, điều kiện phát triển của nhân viên y tế giữa các chuyên ngành, giữa các tuyến.

Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

290520231017-z4385655110910_bbfc5623b30a75503767119d45adea0e.jpg
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu thảo luận.

Chế độ đãi ngộ nhân viên y tế thấp

Phát biểu thảo luận, đại biểu Châu Quỳnh Dao - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ, từ lâu đã nhất quán quan điểm y tế dự phòng là then chốt, bởi có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ cho y tế dự phòng chỉ đáp ứng được 42% phục vụ, trong khi đó tỷ lệ lao động ở Việt Nam là trên 55 triệu người. Hiện tại, số làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ngày càng tăng.

Hiện đang không có sự thống nhất giữa các quy định về đào tạo, mô tả vị trí, chức năng nghề nghiệp cũng như các quy định liên quan đến tổ chức hiện nay. Y tế dự phòng là then chốt, nhưng sự nỗ lực hiện tại, y tế dự phòng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân trong tình thế hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thì cho rằng: Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Vậy nhưng, tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế còn nhiều bất cập.

Theo đại biểu, cần phải đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

Để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, cần quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

290520230928-z4385417254010_e82c293959670e1ea61d37adb5471f49.jpg
Nguyễn Thị Yến Nhi – đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, qua đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, hệ thống y tế cơ sở quá tải, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ, nhiều người chuyển sang khu vực tư nhân hoặc đến các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, có nhiều bất cập trong thực hiện chính sách như việc tinh giản biên chế và những khó khăn hiện tại khiến cho y tế cấp xã thiếu nhân lực trầm trọng. Nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10-15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc.

Đó là, chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế hiện nay chưa tương xứng với thời gian, công sức học tập, lao động cũng như điều kiện, môi trường làm việc của họ. Ngoài ra, trang thiết bị, môi trường làm việc cũng chưa tốt, không thuận lợi để đội ngũ nâng cao được tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp.

Đưa ra nhận định này, đại biểu dẫn chứng, một sinh viên ngành y học mất 6 năm, chi phí học tập gần 200 triệu/năm nhưng khi ra trường đi làm chỉ nhận mức lương 5 triệu/tháng.

Hay ở các trạm y tế, biên chế trực mỗi đêm chỉ có một người nên nhân viên y tế, nhất là nữ giới, không dám trực một mình, phải nhờ đồng nghiệp cùng trực rồi chia tiền trực. Trong khi đó, tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng.

Với mức chi trả như vậy rất khó để thu hút nhân lực về làm việc cho y tế cơ sở. Vì vậy, nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành chế độ chính sách thu hút, giữ chân nhân viên y tế cơ sở cũng như tạo điều kiện để họ được đào tạo, nâng cao trình độ, đại biểu nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng ngàn nhân viên xin nghỉ việc,  y tế cơ sở thiếu nhân lực trầm trọng