Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Từ đầu năm đến ngày 21-3-2012, trên 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng các nghĩa vụ thuế. Như vậy, số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so cùng kỳ năm trước. Riêng số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.
Khi chính sách thắt chặt tín dụng được áp dụng, tình trạng đình đốn sản xuất đã diễn ra do nhiều DN không tiếp cận được vốn vay. Sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều DN xấu đi nghiêm trọng, làm cho DN không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lại phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Lạm phát và lãi suất cao kéo dài làm sức khỏe DN yếu đi. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp diễn và nhiều chuyên gia cảnh báo về “tình trạng nguy hiểm” khi có nguy cơ cao là số lượng DN bị phá sản và đóng cửa đang tăng lên.
Một doanh nghiệp dệt may (Ảnh minh hoạ)
Trong các đề xuất về chương trình hành động cho năm 2012, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên đã nhấn mạnh nội dung "tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để “cứu” DN, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu DN khỏi tình trạng đình đốn sản xuất - kinh doanh". Cụ thể: giảm thuế DN từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác (ví dụ các loại thuế nhập khẩu) thay vì “hoãn nộp thuế”; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho DN…
Con số hàng chục nghìn DN giải thể hoặc ngừng hoạt động có thể gây ra sự lo lắng, song theo các chuyên gia kinh tế, cần nhìn nhận con số này một cách đầy đủ. Có ý kiến cho rằng, con số này là bình thường vì trong nền kinh tế thị trường, chuyện các DN không trụ vững phải “khai tử” là điều tất yếu. Nếu DN “ốm đau què quặt” quá thì có nên cứu hay là cứ để “chết theo quy luật”?. Ý kiến khác thì cho rằng sức khỏe của một nền kinh tế không tính bằng số lượng mà là chất lượng của DN. Thế nên trước con số hàng ngàn DN “khai tử” nói trên, không nên có cái nhìn bi quan. Thậm chí nên coi đây là cơ hội để loại bỏ những DN kém hiệu quả, sức đề kháng kém, thiếu động lực, để nâng cao năng suất nền kinh tế.
Trung Nguyễn