Trong một năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp bào thai cho 40 sản phụ, giúp 20 trẻ chào đời khỏe mạnh.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, cùng với kỹ thuật siêu âm hiện đại, các bác sĩ có thể nhìn thấy những dị tật của thai nhi từ tuần thứ 22. Thế nhưng, có rất nhiều ca, phải làm tâm lý cho các gia đình chào đón những đứa con không thật sự lành lặn chào đời.
Thậm chí, có rất nhiều ca, các bác sĩ buộc phải đình chỉ thai nhi từ sớm. Nếu không được can thiệp, thai nhi trong bụng sẽ dần mất tim thai. Nhiều trường hợp bị thai lưu, mẹ đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý dẫn tới vô sinh sau này. Từ trăn trở đó, ông cùng các bác sĩ của bệnh viện ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng.
Một ca can thiệp bào thai do các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện. Ảnh: BVCC.
15 năm trước, kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công trên thế giới ở các nước tiên tiến như Pháp, Anh. Nhưng Việt Nam còn quá xa vời. Khát vọng cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ không ngừng thôi thúc các bác sĩ Việt Nam.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng. Đề tài Y học bào thai của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh và các cộng sự đã được duyệt cấp Nhà nước và được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đặt trên vai áp lực của việc tiên phong triển khai kỹ thuật mới, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Bệnh viện cử các chuyên gia sang Pháp học tập, nhận chuyển giao kinh nghiệm hàng năm trời tại bệnh viện hàng đầu của Pháp. Một phòng mổ hiện đại theo đúng tiêu chuẩn châu Âu về can thiệp bào thai được triển khai nhanh chóng.
Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay. Với quan điểm thai nhi cũng là bệnh nhân, các bác sĩ dùng kỹ thuật này can thiệp những cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi, để chữa bệnh cho trẻ. Việt Nam đã tiếp cận kỹ thuật này bằng những ca can thiệp bào thai đầu tiên vào cuối năm 2019.
Ca em bé chào đời đầu tiên bằng kỹ thuật này là ngày 14/12/2019 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An). Sản phụ mang song thai mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của sản phụ Hường có nguy cơ lưu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện “mổ” laser quang đông can thiệp bào thai nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng và em đã được sinh ra đời khỏe mạnh.
Trường hợp thứ 2 là sản phụ Vương Thị Linh (sinh năm 1992 quê Phúc Thọ, Hà Nội), sau 33 tuần mang thai sóng gió đã hạ sinh thành công hai bé gái khỏe mạnh ngày 28/12/2019 nhờ can thiệp bào thai kịp thời, chuẩn xác của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Liên tiếp sau đó, 18 sản phụ khác đã sinh con khỏe mạnh, 20 sản phụ khác sau can thiệp kết quả khả quan, hiện đang chờ ngày sinh nở.
Theo PGS Nguyễn Duy Ánh, khó khăn nhất trong kỹ thuật can thiệp bào thai trong buồng tử cung là phải can thiệp chuẩn để không dẫn tới sẩy thai và sinh non. “Đây là kỹ thuật mới, can thiệp rất nhạy cảm và khó khăn. Việc động chạm vào buồng tử cung sẽ ảnh hưởng tới thai nhi và tâm lý sản phụ. Về phía đồng nghiệp, khó khăn nhất là khi tuyến dưới chuyển đến chúng tôi, một nửa số ca trong tình trạng quá muộn", ông Ánh nói.
Bởi vậy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong tương lai, ông rất mong muốn Việt Nam có Hội Y học bào thai là địa chỉ để phối hợp với các cơ sở cùng triển khai kỹ thuật này khi đủ điều kiện, giúp cho bệnh nhân được can thiệp kịp thời, cứu sống bào thai ngay từ trong bụng mẹ.