Hạn hán người dân điêu đứng vì rừng cháy, tiêu chết

Trần Sỹ| 01/04/2019 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thống kê đến hết quý I/2019, tỉnh Gia Lai có 14ha sắn bị bệnh khảm lá, trên 5.500ha hồ tiêu bị chết, hơn 33ha rừng bị cháy. Đáng nói, trong khi người dân đang điêu đứng vì thiên tai thì nay lại xuất hiện nạn bảo kê nông sản ở các huyện vùng sâu, vùng xa.

Xuất hiện nạn bảo kê nông nghiệp

Cụ thể, theo thông cáo báo chí của UBND tỉnh Gia Lai quý I/2019, hiện nay, trên địa bàn có 14,05ha sắn bị bệnh khảm lá (tập trung ở hai huyện Krông Pa và Ia Pa), cùng với đó là 52ha mía bị bệnh trắng lá (ở Phú Thiện, Đak Pơ). Ngoài ra, khó khăn còn xuất hiện ở khoai lang khi có đến hàng nghìn tấn không có đầu ra, dưa hấu được mùa thì dính nạn bảo kê. Vì thế, khó khăn cứ thế “bủa vây” người dân nơi tỉnh nghèo cao nguyên.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chức năng có thẩm quyền xác định mức độ gây hại và khoanh vùng để triển khai biện pháp phòng trừ. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu ngành chức năng, địa phương vào cuộc xử lý, kêu gọi nhiều đơn vị, doanh nghiệp thu mua khoai giúp người dân yên tâm sản xuất.

Đến nay, các dịch bệnh trên sắn và mía cơ bản đã được đẩy lùi, khoai lang đã được tiêu thụ 3/4 sản lượng, nạn bảo kê đã và đang được xử lý quyết liệt.

Hạn hán người dân điêu đứng vì rừng cháy, tiêu chết

Cháy rừng ở huyện Đăk Đoa.

Đặc biệt, khi nhắc đến Gia Lai người dân khắp cả nước sẽ biết đến thương hiệu hồ tiêu nổi tiếng Chư Sê. Thời còn hoàng kim, đây được xem là thủ phủ của “cây vàng trắng” đưa đời sống của nhân dân nơi đây từ khó khăn bỗng chốc trở thành những “ông hoàng, bà chúa”. Vậy nhưng, cũng chính bởi loài cây này mà hiện giờ bao nhiêu gia đình phải xuống các tỉnh Miền đông để làm thuê nơi đất khách, quê người. Tiền vay chồng chất, treo biển bán nhà không ai mua, nợ ngân hàng khiến người dân lâm vào cảnh bi đát, khốn cùng.

Thêm một khó khăn nữa, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, một số công trình hồ chứa nhỏ ở địa bàn huyện KBang và thị xã An Khê có khả năng thiếu nước vào cuối vụ nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng và không có mưa. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2019 trên địa bàn tỉnh.

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nạo vét hồ chứa, kênh mương, khai thác, sử dụng tiết kiệm các nguồn nước, tận dụng tối đa nguồn nước ở ven bờ sông, các ao, hồ, khe suối... để phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2018 - 2019.

Ngoài ra, cũng liên quan đến hạn hán, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt cháy rừng tại hai huyện Đăk Đoa và Chư Păh thiệt hại lên đến trên 33ha rừng.

Điêu đứng vì tiêu

Theo ước tính, đến nay tổng diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh hơn 16.500ha, nhưng có đến gần 1/3 là số lượng tiêu chết (trong đó tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ trên 4.500ha; do già cỗi trên 56 ha; do sâu bệnh gần 1.000 ha).

Hơn 32.000 hộ có tiêu chết với khoản nợ hơn 4.300 tỉ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai) cho biết: Nguyên tắc vay vốn là vấn đề dân sự giữa người vay và ngân hàng (bộ phận tín dụng). Không có ai, cơ quan hay cấp nào can thiệp việc cho vay hay không cho vay. Đối với vấn đề định hướng trong việc vay vốn tín dụng để phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh..., các cấp, các ngành phải xem xét, có trách nhiệm tuyên truyền, quy hoạch và khuyến cáo cho dân nên trồng cây gì, nuôi con gì. Thời điểm giá cao, có những vùng trồng hồ tiêu không được nhưng người dân vẫn trồng ồ ạt.

Hạn hán người dân điêu đứng vì rừng cháy, tiêu chết

Thủ phủ vàng tiêu trở nên xơ xác khi có đến 1/3 tiêu bị chết.

“Thống kê bước đầu, các ngân hàng thương mại đã xác nhận khoảng 50% (2.200 tỉ/4.300 tỉ) thiệt hại tiêu dẫn đến trả nợ ngân hàng rất khó khăn. Trước tình hình đó, ngân hàng đã thực hiện theo NĐ55 và NĐ116 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 55 về cho vay phát triển Nông nghiệp nông thôn. Trong trường hợp, nếu như người dân khi xảy ra khó khăn trong trả nợ về dịch bệnh thì ngân hàng sẽ xem xét cùng với người vay (dân) tháo gỡ như cơ cấu lại thời hạn nợ, điều chỉnh, gia hạn nợ và giảm lãi suất hoặc có thể miễn giảm lãi tiền vay cho người vay tùy theo từng trường hợp nhất định”, ông Cư nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc khoanh nợ theo quy định của Chính phủ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, được Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào những điều kiện cụ thể để công bố thiên tai dịch bệnh trên diện rộng. Sau đó giao cho các ngành các cấp để xác định diện tích, số tiền liên quan đến vấn đề này. Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để khoanh nợ trong thời hạn, khoanh nợ số thiệt hại (người dân không phải trả lãi) trong hai năm.

Ông Cư cho biết thêm: “Hai năm sau, người dân lại tiếp tục trả nợ và trả lãi cho ngân hàng. Số lãi này (trong thời gian khoanh vùng), ngân sách sẽ xuất tiền trả cho ngân hàng. Trước đây là ngân sách trung ương, nhưng hiện nay theo NĐ 116, nơi nào, cấp nào đề nghị khoanh nợ thì nơi đó phải lấy ngân sách ra trả nợ. Ở đây là ngân sách tỉnh. Tính ra 2.200 tỉ, nếu được khoanh nợ với lãi suất bình quân khoảng 10% thì ngân sách phải trả lãi cho ngân hàng vào khoảng 220 tỉ/năm. Nếu nơi nào ngân sách không kham nổi thì phải trình với Thủ tướng Chính phủ xem xét các bộ ngành có thể hỗ trợ tiền lãi…”.

Ngoài những khó khăn, thách thức đã nói ở trên thì tỉnh Gia Lai cũng đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Tiêu biểu là cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi vốn đầu tư và Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của năm 2018 đã tăng 10 bậc so với năm 2017 vươn lên thứ 33 toàn quốc và thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn hán người dân điêu đứng vì rừng cháy, tiêu chết