Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhưng sau mỗi kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, con số về tai nạn giao thông, số người chết và bị thương được công bố luôn ở mức đáng lo ngại.
Tai nạn tăng cao trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5
Khoảng 10h30 ngày 1/5/2014, chiếc xe ô tô Pajero 7 chỗ mang BKS 80B - 4673 của đơn vị B7, H47 thuộc Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật Bộ Công an trong khi chở cán bộ lên Điện Biên đã gặp tai nạn nghiêm trọng khiến 6 người bị thương vong. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe đang lưu thông đi qua địa phận thị xã Mộc Châu (Sơn La) thì bất ngờ nổ lốp sau. Do xe đang đi với tốc độ nhanh nên tài xế đã bị mất lái, khiến xe lao sang vệ đường và bị lật sau khi va chạm với ta luy đường. Vụ tai nạn khiến 5 người trên xe bị hất văng ra khỏi xe, ngã xuống đường. Một người chết tại chỗ, số còn lại được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cấp cứu. Nhưng vì bị thương nặng, 2 cán bộ đã tử vong. 3 người khác đã được chuyển về Hà Nội để tiếp tục điều trị.
Khoảng 13h ngày 3/5, chiếc xe ô tô hiệu Toyota Rav4 mang lô gô của lực lượng cảnh sát giao thông, mang biển kiểm soát 29A-002.85 lưu thông theo hướng Hà Nam – Hà Nội, khi đi đến địa phận huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đã xảy ra va chạm với chiếc xe ben đi cùng chiều. Cả 5 người ngồi trên xe là cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Giao thông Dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội). Đã có 3 người tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trên đây chỉ là một số vụ tai nạn giao thông điển hình đã xảy ra trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 – 3/5).
Thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ (30/4 đến 4/5/2014), toàn quốc xảy ra 224 vụ tai nạn giao thông, làm chết 117 người, bị thương 151 người. Trung bình mỗi ngày xảy ra 45 vụ, làm 23 người chết, 30 người bị thương. Đường bộ xảy ra 220 vụ, làm chết 113 người, bị thương 151 người (có 70 vụ va chạm, làm bị thương 36 người), 4 vụ tai nạn đường sắt làm chết 4 người. Cả nước không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách nhưng xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân thuộc 2 đơn vị H47-BCA trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày 1/5 và PC67 CATP Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày 3/5, làm chết 6 người, bị thương 5 người.
Nguyên nhân do lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng lên đột biến trên các Quốc lộ, nhất là các tuyến đường cửa ngõ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, khi xảy ra một số sự cố, va chạm giao thông, công tác cứu hộ, cứu nạn, giải tỏa chưa kịp thời cùng với mật độ phương tiện cao dẫn đến ùn tắc nhiều giờ trên một số tuyến trọng điểm. Trong ngày 30/4 xảy ra 3 vụ ùn tắc nghiêm trọng (cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình; Quốc lộ 1 Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đến huyện Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An; đường đi vào cảng Cát Lái dẫn ra đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Dầu Giây – Long Thành). Lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lí 38.471 trường hợp vi phạm; tạm giữ 91 xe ô – tô, 6.302 xe mô – tô; thu 18,6 tỉ đồng nộp Kho bạc Nhà nước.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại địa phận thị xã Mộc Châu
Tai nạn giao thông chủ yếu là tai nạn xe mô – tô, xe gắn máy; nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông như chạy quá tốc độ, lấn đường, vi phạm quy định về nồng độ cồn, đi mô – tô không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người. Địa bàn xảy ra tai nạn trên các quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện và cả khu vực nông thôn.
Thay đổi nhận thức
Báo cáo thường kỳ của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho thấy, trong mấy năm qua, số vụ cũng như số người chết vì tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết trong đó có kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, luôn tăng cao so với ngày thường. Vào những dịp này, bệnh viện các tuyến trung ương đến địa phương vẫn thường xuyên quá tải.
Theo tổng kết của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 năm 2013, cả nước xảy ra 240 vụ tai nạn, làm chết 110 người, bị thương 185 người. Trong 4 ngày nghỉ 30/4 - 1/5 năm 2012 (từ 28/4 - 1/5), 123 người đã chết và 69 người bị thương vì tai nạn giao thông. Còn vào 2 năm trước, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 172 người. Những dịp nghỉ lễ cùng kỳ vào các năm 2010 và 2009, mỗi ngày cũng luôn có khoảng 30 người chết.
Từ các số liệu trên, có thể thấy rằng trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, mỗi ngày xảy ra trung bình từ 40 – 50 vụ tai nạn giao thông, 20- 30 người bị chết. Đây thực sự là những con số đáng báo động.
Trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhất là ở các tuyến đường về các tỉnh. Để tranh thủ kiếm lời trong dịp nghỉ lễ, nhiều chủ bến xe đã không ngần ngại “nhồi nhét” hành khách. Vì đi với lưu lượng giao thông đông, trong khi nhiều chủ phương tiện lại không chấp hành các quy tắc về giao thông đường bộ như lái xe quá thời gian quy định, chở người số lượng được phép, chạy xe quá tốc độ, đi sai làn đường, uống rượu bia… nên nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra.
Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ lễ, thì việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Giao thông là hết sức cần thiết, đặc biệt là chủ xe khách “nhồi nhét” khách, chở quá tải; các đối tượng điều khiển xe máy khi uống rượu, bia… Việc xử phạt đòi hỏi phải nghiêm minh, công tâm, đúng quy định của pháp luật, tránh nương nhẹ hay vụ lợi.
Tuy nhiên, có một thực tế dễ nhận ra là sau những đợt tổ chức ra quân rầm rộ hằng năm, thì đến năm sau đó, tai nạn giao thông vẫn cứ tăng trong dịp nghỉ lễ. Thậm chí là ngay sau mỗi đợt ra quân, khó có thể nhận thấy sự chuyển biến rõ nét trong việc chấp hành Luật Giao thông ở nhiều người. Thế nên, việc tổ chức chấn chỉnh nghiêm túc, xử phạt triệt để là quan trọng, song quan trọng hơn hết vẫn là phải làm như thế nào để thay đổi nhận thức, ý thức, hành vi của người tham gia giao thông, để họ chấp hành Luật Giao thông một cách tự nguyện, tự giác.