Thông tin chính thức về kết luận thanh tra các vụ việc bổ nhiệm người nhà đã được công bố rộng rãi cho thấy ở 19 tỉnh, thành phố đã có 58 người nhà được tuyển dụng, cất nhắc, đào tạo quy hoạch… trái quy định.
Tuy nhiên, đây mới là phần nổi của tảng băng với việc ban phát, ham hố và vơ vét quyền lực.
Báo chí đã thông tin về các vụ bổ nhiệm siêu tốc ở một số cơ quan vào lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” của sếp lớn khiến người ta liên tưởng đến các vụ chạy chức chạy quyền thành công.
Ở tỉnh nọ, có nữ nhân viên chỉ sau vài năm từ địa vị nhân viên hợp đồng đã được đào bồi, cất nhắc và quy hoạch thành cán bộ lãnh đạo cấp sở đồng thời với việc phát lộ khối tài sản khổng lồ mà cô này có tích cóp vài thế kỷ cũng không thể có.
Hẳn vì thế mà Tổng Bí thư đã có lần bàn tới việc cần có cơ chế “nhốt” quyền lực khi khó bề kiểm soát. Tuy nhiên, điều cần làm trước khi để quyền lực hoành hành chính là giám sát chặt chẽ công tác cán bộ để khỏi trao quyền lực cho người nhà, người thân tín, người giỏi “chạy maratông” trong các cuộc đua chức quyền.
Ở tỉnh Hải Dương, nơi có sở LĐTBXH nổi tiếng nhất Viêt Nam bởi tỷ lệ sếp/lính là 44/2 nay lại có thêm ông Giám đốc Sở Nội vụ vô tư ký quyết định bổ nhiệm… con trai mình dù thiếu nhiều tiêu chí và không qua thi tuyển công chức vào một vị trí phụ trách phòng. Khi vụ bố đề bạt con bị lộ, Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ cho thấy việc bổ nhiệm này là sai, anh con trai ông sếp “tự nguyện” nộp đơn xin trả lại cái chức bố mình ban cho. Thế nhưng, ông sếp này vẫn đổ lỗi cho cấp dưới trình ký mà không báo cáo đầy đủ và ông đã không xem kỹ hồ sơ trình lên mà vẫn ký.
Ở TP. Hải Phòng cũng từng có vụ lùm xùm bố là Giám đốc sở Xây dựng xin cho con trai là nhân viên từ sở bạn về sở nhà để bổ nhiệm làm phó phòng. Sau đó, anh này cũng trả lại chức vụ mà bố ban cho con.
Cách đây không lâu ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có một vụ việc quy hoạch, bồi dưỡng và đào tạo… vợ, bất chấp các nguyên tắc về tổ chức cán bộ của ông Cục trưởng Cục Thuế. Ông chồng này đề bạt cho vợ là phó phòng rồi làm trưởng phòng và quy hoạch cho vợ lên Cục phó và không chừng trong trung hạn, bà sẽ thay ông làm Cục trưởng.
Không thể để tình trạng “dùng người nhà - không dùng người tài” hoành hành, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2017.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét có hình thức kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện trước ngày 30/4/2017. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ; kịp thời chấn chỉnh tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý cán bộ; rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức và đề xuất phương án hoàn thiện, khắc phục bất cập trong công tác quản lý cán bộ, công chức thời gian qua, lưu ý những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của người có chức vụ, quyền hạn.
Động thái này của người đứng đầu Chính phủ được đánh giá là sẽ có tác động tích cực đến việc phòng chống tình trạng ham hố, vơ vét, ban phát quyền lực.