Những năm gần đây, thị trường đồ chơi Trung thu cho trẻ em tràn ngập những mặt hàng làm bằng nhựa với mẫu mã và màu sắc đa dạng, cùng với giá cả thấp đã thu hút số đông trẻ em.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến những món đồ chơi Trung thu truyền thống đang mất dần vị thế của mình trên thị trường đồ chơi.
Thay đổi vẫn không giữ được khách
Mỗi dịp Trung thu đến, nhằm thu hút người mua, những người làm đồ chơi trung thu truyền thống hiếm hoi của Hà Nội luôn chú trọng thay đổi mẫu mã, hình thức, sáng tạo thêm nhiều nét mới, cách tân những mặt hàng cũ.
Bà Vũ Thị Thanh Tâm, người làm thiên nga bông ở phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm cho biết, trước đây bông là nguyên liệu chính để làm nên các lẵng thiên nga. Các con thiên nga được làm bằng bông, lẵng làm bằng giấy bìa cứng. Đến nay, thân thiên nga bông của nhà bà Tâm vẫn giữ nguyên cách làm cũ nhưng cánh thiên nga đã được thay thế bằng xốp, sử dụng lẵng mây đan đựng thiên nga. Những lẵng thiên nga bông ngày nay đẹp hơn rất nhiều so với thời gian trước. Tuy nhiên lượng người mua chẳng còn được nhiều như xưa.
Bà Tâm chia sẻ: “Do tính chất đồ chơi được làm từ những nguyên liệu thủ công như bông, xốp… nên thường trẻ nhỏ không thích và dễ làm hỏng, có chăng chỉ là những bạn trẻ yêu thích mua về làm quà tặng bạn bè, người yêu…”
Mặc dù nỗ lực rất nhiều nhưng thị phần của đồ chơi trung thu truyền thống cứ giảm dần.
"Để làm phong phú thêm cho mặt hàng của mình, gia đình bà Tâm còn làm thêm các lẵng có búp bê, gấu bông, chó bông. Con dâu Quách Thị Bắc của bà Tâm cho hay, các lẵng thiên nga bông thường được các bạn trẻ và người lớn ưa chuộng hơn. Còn các bé thiếu nhi sẽ hứng thú với các lẵng búp bê, gấu, chó bông hơn. Giá cả của các lẵng búp bê và các thiên nga bông là như nhau. Chị Bắc nói: “Tôi làm thêm đồ chơi để thêm phong phú mặt hàng thôi chứ lời lãi chẳng được bao nhiêu”.
Kể từ khi đồ chơi công nghiệp ngập tràn trên thị trường, chỉ còn những khách quen năm nào cũng đến nhà đặt thiên nga bông. Số thiên nga bông làm ra thêm, chị Bắc lại bày ở trước nhà vào mỗi tối để bán cho khách dạo chơi phố Cổ.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân làm đèn ông sao ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết, ngày trước đèn trung thu của gia đình bà chỉ có màu đỏ. Để đèn ông sao hấp dẫn hơn, bà đã dùng thêm giấy màu xanh, màu vàng để dán đèn ông sao. Như vậy, ánh đèn ông sao trong đêm rước đèn cũng long lanh thêm.
Ngoài ra, bà Tuyến cũng làm thêm đèn với nhiều hình thù khác nhau như đèn con thỏ, con cá. Bà Tuyến tâm sự: “Tôi làm thêm các loại đèn khác để đêm rước đèn của các cháu nhỏ thêm phong phú. Còn tôi vẫn làm đèn ông sao là chủ yếu.”
Mặc dù nỗ lực rất nhiều để giữ chân khách hàng nhưng thị phần của đồ chơi trung thu truyền thống cứ giảm dần. Sự mai một của đồ chơi trung thu truyền thống đã gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội không khỏi khiến những người làm đồ chơi trung thu truyền thống chạnh lòng.
Còn lại những luyến lưu
Đối với những người làm đồ chơi trung thu truyền thống, làm đồ chơi không đơn thuần là công việc để kiếm thêm thu nhập nữa mà chính là tình yêu, sự gắn bó nên thu nhập thấp cũng khiến họ chẳng thể dứt bỏ nghề.
Bà Vũ Thị Thanh Tâm cho biết, bà bắt đầu làm thiên nga bông từ khi còn trẻ. Hơn 60 năm gắn bó với những lẵng thiên nga bông nên cứ đến gần trung thu là bà lại “nhớ nghề”. Đến nay, tuy việc làm thiên nga bông đã giao cho con dâu quản lí nhưng bà lại chẳng thể làm ngơ khi thấy những lẵng thiên nga dang dở đang chờ được trang trí.
Cô con dâu Quách Thị Bắc của bà Tâm chia sẻ: “Không biết bao nhiêu lần gia đình tôi định nghỉ không làm thiên nga bông nữa. Nhưng cứ nghe thấy tiếng trống bỏi giục giã từ các gian hàng dưới nhà là lại chẳng thể ở yên được. Năm nào cũng làm mà giờ không làm nữa lại thấy thiếu vắng”.
Cũng theo con dâu bà Tâm, một trong những động lực để gia đình vẫn tiếp tục làm thiên nga bông chính là những khách hàng quen. Có những khách hàng trung niên đã mua hàng của gia đình từ khi còn trẻ. Những vị khách năm nào cũng đến mua hàng này luôn tha thiết mong muốn gia đình bà Tâm giữ nghề bởi họ đã quen với sự hiện diện của thiên nga bông nhà bà Tâm vào Rằm tháng Tám hàng năm.
Tình yêu nghề là mối liên kết bền chặt giữa ông Nguyễn Văn Mạnh Hùng ở Khương Hạ, Thanh Xuân với những chiếc tàu thủy. Theo lời kể của ông Hùng, từ nhỏ, ông đã được học làm tàu thủy từ những người lớn tuổi trong gia đình. Niềm yêu thích với tàu thủy đã khiến ông gắn bó với công việc chế tạo đồ chơi này từ vài chục năm nay. Tuy có chế tạo các loại hoa, bướm theo các đơn hàng nhưng tàu thủy vẫn là điều thu hút ông nhất.
Đối với bà Nguyễn Thị Tuyến thì những lắng lo về sự mai một của đồ chơi trung thu truyền thống là động lực để bà cố gắng giữ nghề. Bà tuyến tâm sự: “Làm đồ chơi thủ công này rất tỉ mẩn, tốn thời gian mà thu nhập lại chẳng được bao nhiêu. Nhưng cứ nghĩ đến nếu mình bỏ không làm đèn ông sao thì sau này chắc chẳng còn ai biết đến đồ chơi trung thu truyền thống cũng như hương vị Tết Trung thu cổ truyền là như thế nào nữa. Cho nên giờ còn làm được thì mình cứ cố.”
Những lưu luyến của nữ nghệ nhân này được truyền cho cả con cháu trong nhà. Các con, các cháu của bà đều biết làm đèn ông sao truyền thống. Từ rằm tháng bảy âm lịch, cả nhà quây quần tại phòng khách cùng nhau làm đèn ông sao. Tuy nhiên, khi nói đến tương lai giữ nghề, bà Tuyến không giấu nổi lo lắng: “Nếu các con các cháu muốn giữ nghề thì tôi ủng hộ. Nhưng nếu muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn thì tôi cũng không ngăn cản được”.
Cùng chung suy nghĩ với bà Tuyến, ông Hùng cho biết hai con gái ông đều biết chế tạo tàu thủy. Tuy vậy, ông không thể bắt các con theo nghề nếu không yêu thích.
Sự phát triển mạnh của đồ chơi công nghiệp đã và đang lấn át những món đồ chơi trung thu truyền thống. Điều đó khiến cho số lượng nghệ nhân làm đồ chơi trung thu truyền thống cũng giảm dần.Vậy số phận của đồ chơi trung thu truyền thống rồi sẽ đi đâu, về đâu?