Sau khi vào cuộc xác minh, Cục CSGT (Bộ Công an) đã xác định được chủ nhân thực sự của 1 trong 2 chiếc xe Mercedes cùng biển BKS 30E-488.16 lưu thông trên đường phố Hà Nội.
Những ngày qua, việc 2 chiếc Mercedes-Benz E300 có cùng màu sắc và cùng mang biển số 30E-488.16 xuất hiện trên đường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội vào chiều ngày 28/02/2021 đã gây sự chú ý của dư luận. Ngay sau khi phát hiện thông tin, Công an quận Hà Đông đã mời cả 2 người được cho xe chủ xe nói trên về trụ sở để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, Cục CSGT (Bộ Công an) cũng vào cuộc xác minh làm rõ nguồn gốc hai chiếc xe.
Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện (Cục CSGT) cho biết, đơn vị đã xác định được chủ nhân của 1 trong 2 chiếc xe Mercedes cùng chung BKS 30E-488.16 lưu thông trên đường phố Hà Nội.
Biển số 30E-488.16 trong hệ thống đăng ký là của ô tô Mercedes Benz sản xuất năm 2011, đăng ký lần đầu vào tháng 3/2012. Chủ sở hữu ban đầu đứng trong giấy đăng ký là của một Công ty có địa chỉ tại TP Hà Nội. Tuy nhiên, chủ sở hữu đã được thay đổi chuyển quyền sở hữu cho anh N. A. D (56 tuổi, trú Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy). Anh D được xác định đứng tên hợp pháp của chiếc xe và biển số này.
Hiện nay, việc sử dụng biển số giả khi tham gia giao thông không phải là hiếm. Không ít trường hợp những lái xe đã sử dụng biển số giả hoặc tẩy xoá, dán băng keo nhằm thay đổi các chữ số trên biển khi lưu thông trên đường để "che mắt" lực lượng chức năng. Việc sử dụng biển số giả, gây ra trở ngại rất lớn trong việc quản lý thông tin của cơ quan chức năng, cũng như việc xử phạt các phương tiện tham gia giao thông vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp xe có biển số thật đã bị phạt oan do hệ thống camera ghi hình được vi phạm trên đường mà nguyên nhân lại là từ chiếc xe mang biển số giả.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng: Việc sản xuất và sử dụng biển số xe giả là trái quy định của pháp luật, tiềm ẩn mất nguy cơ an toàn xã hội.
Tại Khoản 3, Điều 53, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp". Hành động lắp biển số của xe khác lên xe của mình sẽ được ghép vào tội sử dụng biển số giả.
Ngoài ra, khoản 22, điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định, nghiêm cấm hành vi sản xuất, sử dụng hoặc mua, bán trao đổi biển số xe cơ giới, xe máy. Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả mà người sử dụng biển số xe giả sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, hành vi không gắn biển số; gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe ô tô. Người vi phạm bị giữ bằng lái từ 1 - 3 tháng.
Thời gian qua, Cục CSGT đã phát hiện nhiều xe ô tô gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đặc biệt là xe có gắn biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, xe gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe... Các hành vi trên vi phạm nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước.
Việc dùng biển số xe giả có thể sẽ là công cụ giúp một số người có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn những hành vi này, cần thiết phải xử lý nghiêm, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo việc quản lý tài sản, quản lý hành chính, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.