Hai vấn đề “nóng” trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội

Mai Thoa| 22/05/2018 22:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên thảo luận tổ sáng nay (22/5), về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách, 2 vấn đề “nóng” đã thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Hai vấn đề “nóng” trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng 

Tăng trưởng kinh tế có phụ thuộc dầu, than đá?

Trong buổi thảo luận, các ý kiến đại biểu đều ghi nhận con số tăng trưởng GDP 2017 và quý 1/2018 cũng như sự điều hành sâu sát của Thủ tướng và Chính phủ. Đó là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế nước ta.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ băn khoăn với nhận định “động lực tăng trưởng kinh tế chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than...” mà báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã nêu trước đó. Báo cáo nêu: ngân sách Trung ương bị hụt thu, chưa phát huy được vai trò chủ đạo. Số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo...

Phó Thủ tướng cho rằng, tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua, Tổng Bí thư đã đánh giá: "Năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế xã hội sau nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phat được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân dối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, bội chi ngân sách mức thấp khoảng 3,5% so với GDP, thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối 61.5 tỷ USD, thị trường chứng khoán khởi sắc,... Sản xuất kinh doanh tiép tục phục hồi phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ".

Trong khi trên thực tế, năm 2016, 2017 công nghiệp than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm. Như vậy nếu nói tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá có đúng không? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Ông cũng khẳng định, khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc 7,44% kể từ năm 2008 tới nay. Trong đó, tiêu dùng trong nước trên 10% trừ lạm phát thì vẫn cao đóng góp cho tăng trưởng. Hay tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu thì phải phân tích tại sao hụt và địa phương tăng, phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát- trách nhiệm đầu tiên là của Bộ tài chính và Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra thì có trách nhiệm không, vì khâu dự toán này do các Uỷ ban thẩm tra và Quốc hội quyết định.

Trong khi các tổ chức quốc tế họ đánh giá Việt Nam tăng hạng. Chúng ta lại đang ở giai đoạn làm nhiệm vụ kép và phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ bao nhiêu năm trước ngày càng bộc lộ như nợ xấu công, các dự án yếu kém... Nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ muốn nghe các đánh giá mới hơn về tình hình trong nước năm 2017 để nhìn nhận rõ hơn kinh nghiệm trong quá trình điều hành chỉ đạo như thế nào không thì lại quay lại đánh giá cũ của cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng đồng tình với nhận định của cơ quan thẩm tra và cho rằng, "báo cáo của Chính phủ" như nồi lẩu, rất khó có thể truy được trách nhiệm trong quản lý vĩ mô.

Hai vấn đề “nóng” trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh), tăng trưởng tuy cao nhưng nếu như vẫn phụ thuộc vào than và dầu khí thì tức là vẫn phụ thuộc vào của để dành. Tại kỳ họp trước Chính phủ cũng đã xin khai thác thêm 15% để tăng GDP, tức là của để dành tiếp tục cạn kiệt.  “Chính phủ kiến tạo cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế này để có giải pháp hiệu quả cho những vấn đề vĩ mô của nền kinh tế”, đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ quan điểm.

Nói về những rào cản phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng, tình trạng “giấy phép con”, “giấy phép cháu” trong sản xuất kinh doanh còn rất nhiều mà mới chỉ có Bộ Công Thương cắt giảm được điều kiện kinh doanh, còn nhiều Bộ ngành khác chưa làm. Nên đề nghị Chính phủ cần ra tối hậu thư với các Bộ, ngành, đến ngày giờ nhất định mà không bỏ được giấy phép con thì cần xác định trách nhiệm người đứng đầu.

Một số đại biểu khác cho rằng, Chính phủ cần lưu ý hơn đến tính tuân thủ kỷ luật tài chính. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ là không được phát sinh nợ xây dựng cơ bản sau 2014, nhưng nợ vẫn phát sinh rất lớn. Rồi vấn đề đầu tư công, an sinh xã hội… thiếu những phân tích đánh giá sâu hơn…

Kiến nghị giảm năm thu phí 40 dự án BOT không bất thường

Một vấn đề “nóng” khác được các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là đầu tư BOT trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán và kiến nghị giảm 120 năm thu phí của 40 dự án BOT.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tình hình các trạm thu giá BOT đến thời điểm này có thể nói tương đối ổn định. Nên sẽ nghiên cứu, vận dụng để làm sao những trạm thu BOT sắp tới thực hiện nghiêm túc. Trước mắt, sẽ tập trung giải quyết những bất cập, tồn tại, việc nào liên quan đến trạm thu giá để tập trung xem xét nguyên nhân, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết.

Còn về lâu dài, hiện nay Bộ đang chuẩn bị rất nhiều dự án, nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở đường độc đạo, tập trung duy tu, sửa chữa để đường còn dùng được sẽ có hiệu quả tốt. Nếu đường quá tải thì lập đường song hành để thu phí kín và phát triển đường cao tốc để chạy với vận tốc nhanh, đảm bảo.

Về con số từ báo cáo kiểm toán phải giảm thời gian thu phí với 40 dự án BOT tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm tài chính hơn 1460 tỷ đồng. Còn năm 2016 về trước Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm 127,4 năm thu phí của 27 dự án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, báo cáo Kiểm toán nêu như vậy có thể đúng, nhưng không cẩn thận tạo dư luận xã hội rất xấu mà chúng ta đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội thông qua các phương thức như BOT.

Theo Bộ trưởng, dự án BOT thì phải kiểm toán, kiểm toán xong mới phê duyệt kết toán để ra số đầu tư thực tế và từ đó thì mới đưa ra được số năm thu phí, mức thu phí từng năm. Nếu quy trình như vậy thì việc kiểm toán là bình thường và việc giảm số năm tính toán so với dự toán ban đầu là đúng. Vậy nên phải nói để người dân hiểu, nếu không sẽ khó triển khai những dự án đường cao tốc, vốn ngân sách hạn hẹp, phải kêu gọi vốn đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm: đến thời điểm hiện nay vẫn đang tiến hành. Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành dự án thu hồi đất, tuy nhiên việc thẩm định giữa các bộ, ngành chậm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để làm sao khi phê duyệt sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng.

Riêng trách nhiệm của Bộ GTVT về tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà tư vấn, lập dự án tổng thể, cơ quan này vừa công bố tư vấn trúng thầu và tư vấn hiện nay đang lập dự án. Dự kiến năm 2019, sẽ báo cáo Quốc hội một dự án tổng thể sân bay quôc tế Long Thành hoàn chỉnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai vấn đề “nóng” trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội