Hải Phòng: Thị trường hàng xách tay thả nổi đến bao giờ?

Trần Khanh| 01/04/2021 10:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi được mắt thấy tai nghe “những quy luật sinh tồn” từ những nhân viên bán hàng. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh lâu năm thừa nhận, hàng hóa ở đây chủ yếu là không có hóa đơn, trốn thuế, nhưng muốn làm ăn lâu dài phải có “quan hệ”.

Mối “quan hệ” dung túng cho hàng xách tay

Báo Công lý vừa có bài phản ánh về tình trạng hàng xách tay, hàng hoá không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại nhiều tuyến phố trung tâm TP Hải Phòng. Theo đó, trên tuyến đường Lãn Ông, Lý Thường Kiệt, Quang Trung san sát các cửa hàng buôn bán tấp nập sản phẩm rượu ngoại, thuốc lá, xì gà, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. 

Còn tại các tuyến đường Lạch Tray, Cát Cụt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Lợi, Cầu Đất,… ngập tràn các cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với những biển hiệu quảng cáo rất hấp dẫn như: “hàng xịn chuẩn Auth”, “xách tay hàng Úc, Mỹ, Nhật”, “hàng xách tay chính hãng"…

anh-8-1-.jpg
Cách trụ sở Cục QLTT Hải Phòng chỉ vài trăm mét, rất nhiều cửa hàng bán hàng xách tay hoạt động từ nhiều năm nay.

Theo chân một dân buôn hàng xách tay với hơn 20 năm kinh nghiệm ghé vào shop Junie nằm trong ngõ 199 Lạch Tray, ngay từ bên ngoài, người này cho biết: “Đây là một trong những shop lớn tại Hải Phòng. Do quan hệ “tốt” nên cứ thế tồn tại phát triển nhiều năm qua. Trong cửa hàng lúc nào cũng có vài nghìn mã sản phẩm khác nhau, hàng hoá đa dạng và rất nổi tiếng bởi giá phải chăng. Trước đây, cửa hàng chỉ bán hàng xách tay trên mạng xã hội, nhưng sau thời gian kinh doanh thuận lợi, bà chủ mới khoảng 30 tuổi giờ đã là chủ của 2 cơ sở rất đông khách ở Hải Phòng”. 

Bước vào bên trong cửa hàng, các loại sữa tắm, kem dưỡng da, son môi, đồ trang điểm, thực phẩm chức năng,… công khai bày trong tủ kính, để trên kệ, treo trên tường, dày đặc giữa các lối đi. Cửa hàng quy mô không khác gì một đại siêu thị đông đúc người mua sắm.

Trong vai người cần mua nhiều mặt hàng với số lượng lớn, ngay lập tức chúng tôi nhận được những lời mời chào nồng nhiệt từ các nhân viên cửa hàng. Theo lời những người này, các mặt hàng được trưng bày tại cửa hàng đều là hàng chuẩn 100%, trực tiếp xách về từ các thị trường như: Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,... “Sản phẩm hầu hết đều không có hóa đơn, trốn thuế nên mới có giá rẻ. Chất lượng đảm bảo ngoại nhập”, một nhân viên nữ chạc 30 tuổi tư vấn.

anh-9-1-.jpg
Các loại nước hoa nhập lậu không rõ nguồn gốc bày bán tại cửa hàng thời trang trên đường Tô Hiệu.

Cầm lọ kem dưỡng thể Victoria Secret trên tay, phóng viên được nữ nhân viên báo giá 260.000 đồng kèm lời tư vấn mỗi màu sắc sẽ có một công dụng khác nhau. Khi được nghe là sẽ lấy nhiều về bán buôn, người bán hàng liền thông báo sẽ giảm cao nhất là 30.000đ/hộp. Tại khu vực bán thực phẩm chức năng, các sản phẩm hỗ trợ tim mạch, suy thận, bổ sung vitamin được đặt ngay ngắn trong tủ kính, giá bán giao động từ một đến vài trăm nghìn đồng/hộp.

Chúng tôi tiếp tục dò hỏi người bán hàng về việc “Hàng xách tay trốn thuế ở đây không sợ bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt phạt sao?”, nữ nhân viên cởi mở tâm sự: “Buôn bán hàng này phải có mối quan hệ tốt với từng đoàn, từng đội một. Mỗi khi người ta đến cửa hàng là bồi dưỡng khoảng 5-10 triệu, không cần phải xuất trình hoá đơn hàng hoá chi cho mất thời gian”. 

Trước khi rời khỏi cửa hàng, phóng viên hỏi thêm kinh nghiệm để làm thế nào có thể bán được số lượng lớn những loại hàng hóa không có hóa đơn như thế này mà vẫn có thể an toàn, nhân viên thu ngân mỉm cười nói: “Cái này phải tùy quan hệ và cách xử lý”.

Tiếp tục tìm hiểu các mặt hàng xách tay, chúng tôi đã tìm đến một loạt các cửa hàng trên đường Lê Lợi, Lạch Tray, Chu Văn An, Nguyễn Đức Cảnh,… thì cũng đều nhận được những câu trả lời tương tự. 

Tại cửa hàng kinh doanh rượu có tên T.T nằm trên đường Lý Thường Kiệt, giá của một chai rượu xách tay Chivas 18 là 950 nghìn đồng, Macallan 18 là 5,5 triệu đồng, rẻ nhất là rượu Vang của Pháp có giá 250 nghìn đồng/chai. Theo bà chủ cửa hàng, rượu xách tay ở đây chủ yếu nhập từ Singapore, Scotland, Nga và được bọc trong núi nilong có niêm phong an ninh sân bay.

anh-10-1-.jpg
Giày dép nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới bày bán tràn lan tại cửa hàng Olala số 195 Tô Hiệu.

Khi chúng tôi đặt vấn đề cần mua rượu xách tay số lượng lớn, người bán hàng khẳng định, chỉ cần gửi mẫu qua zalo, hàng sẽ được gom từ các nơi về giao đầy đủ cho khách. Trường hợp hết hàng, sau 1 tuần sẽ có nguồn xách tay cầm về Việt Nam. Nhằm tạo thêm uy tín cửa hàng, bà chủ nhấn mạnh: “Nhà chị buôn bán uy tín hơn chục năm nay, khách mua chủ yếu là cá nhân nên chẳng bao giờ phải xuất hoá đơn. Tuy kinh doanh rượu xách tay không dán tem nhập khẩu là sai, nhưng khi tiếp đoàn kiểm tra thì mình phải biết cách “xử lý và cảm ơn” để họ không gây khó khăn. Có như vậy, rượu xách tay mới được bày bán công khai, còn hàng nhà chị chắc chắn là chuẩn”. 

Tại cửa hàng thời trang “T.N AUTHENTIC” nằm trên đường Lạch Tray, nam thanh niên bán hàng cho hay, tất cả sản phẩm quần áo, giày dép, nước hoa, túi xách, nước hoa ở đây đều là hàng xách tay chuẩn Châu Âu. Khách thích đặt sản phẩm chỉ cần gửi ảnh hoặc lựa chọn trực tiếp trên trang web của hãng, sau 2 tuần hàng sẽ được giao tận nơi. 

anh-11.png
Hàng hoá xách tay không rõ nguồn gốc được buôn bán công khai tại cửa hàng T.N Authentic số 24 Lạch Tray, cách trụ sở Cục QLTT Hải Phòng vài chục mét.

Phóng viên tỏ vẻ hoài nghi về chất lượng hàng hoá khi hầu hết các sản phẩm bày bán đều không có tem nhập khẩu, tem kiểm định của Cơ quan chức năng thì người bán hàng nhanh nhảu đáp: “Bán hàng này tất nhiên là phải mất tiền ngoại giao, chứ không thì sao làm ăn được. Chúng em có 3 cơ sở chuyên bán hàng xách tay, uy tín nhiều năm nay nên anh cứ yên tâm”… 

Lực lượng chức năng yếu và thiếu?

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, hiện thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ là trong một, hai năm gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Việc xử phạt hành chính theo Nghị định 98 ban hành ngày 26/8/2020 có tính chất tăng nặng cũng là một biện pháp, nhưng cũng đã đến lúc cần xử lý hình sự với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm với số lượng lớn.

“Khi chúng ta phạt 200 triệu đồng cho tổ chức có hành vi bán hàng lậu, thì hàng lậu đã vào bụng nhân dân rồi và nguồn lợi nhuận người bán thu về có thể đã 2 tỷ đồng. Nên tôi nhấn mạnh, phải quản cửa gốc, con người thực thi có cương quyết không hay vì lý do nào đó lại “cởi mở” với hàng vi phạm? Thứ hai, hình thức phạt bổ sung phải rút giấy phép kinh doanh, kể cả xử tù việc mua bán kinh doanh hàng lậu chứ không phải buôn lậu có giá trị lớn mới hình sự hóa” - chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

anh-12.png
Chiếc túi xách Versace được giới thiệu là hàng xách tay có giá khoảng 10 triệu đồng tại cửa hàng T.N Authentic.

Cùng quan điểm với ông Vũ Vinh Phú, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, xử phạt là một chuyện nhưng các biện pháp phòng ngừa mới là quan trọng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan...

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính chia sẻ, cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Bởi nó gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Ông Thịnh đặt vấn đề hàng xách tay sao có nhiều thế, mua bán tràn lan suốt bao năm nay?

Với Nhà nước có thể thất thoát thuế rất lớn. Còn với các doanh nghiệp, họ bị thiệt hại nặng nề do sản phẩm khó cạnh tranh nổi với hàng trốn thuế. Điều này còn gây bất bình đẳng, không công bằng cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

anh-13.jpg
Hàng hoá nhái thương hiệu nước ngoài được bán rất phổ biến trên nhiều tuyến đường nội thành Hải Phòng.

“Thường các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào một quốc gia nào đó, thì ngoài việc xem xét các chính sách về thuế, phí, đất đai, họ còn đánh giá chính sách ngăn chặn, kiểm soát gian lận thương mại, hàng giả”, TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết: Đơn vị có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và tiến hành xử phạt khi phát hiện cơ sở vi phạm. Hàng hoá lưu thông trên thị trường, Cục QLTT Hải Phòng không được xây dựng kế hoạch độc lập mà phải kết hợp với các đơn vị chuyên ngành.

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, do lực lượng yếu và thiếu nên rất khó kiểm tra hàng hoá. Trong khi địa bàn thành phố rộng lớn, đơn vị chỉ có 8 đội với khoảng 120 cán bộ căng mình khắp thành phố. Thời gian tới, Cục QLTT sẽ có giải pháp tăng cường kiểm tra trên toàn thành phố để kiểm tra, xử lý những vấn đề Báo Công lý đã phản ánh.

anh-14.jpg
Một sản phẩm nhái thương hiệu Adidas có giá siêu rẻ bán tại cửa hàng Bigbang số 164 Đình Đông.

Mặc dù hàng hoá xách tay được bày bán công khai tại nhiều tuyến phố nội thành Hải Phòng nhưng suốt nhiều năm qua, hầu hết các cửa hàng vẫn hoạt động nhộn nhịp. Thậm chí, việc kinh doanh còn có phần gặp thuận lợi khi ngày càng nhiều cửa hàng mới mọc lên. Điều này khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi: “Các cơ quan quản lý đang ở đâu? Thị trường hàng xách tay thả nổi đến bao giờ?”.

Báo Công lý sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc và thông tin đến bạn đọc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Thị trường hàng xách tay thả nổi đến bao giờ?