Thí điểm tổ chăm sóc y tế cộng đồng; đẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm việc bán thuốc không đúng quy định;… là các biện pháp, quy định mới trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng.
Ngày 15/2, thành phố Hải Phòng đã có thông báo về chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
Theo đó, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng; người dân có tình trạng lơ là, chủ quan, khi bị dương tính không khai báo, tự mua thuốc điều trị nên bệnh càng nặng hoặc tử vong; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương có phần lơi lỏng. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng công tác phòng, chống dịch của thành phố, không để người dân hoang mang, lo ngại; đặc biệt là việc người dân tự mua thuốc điều trị tại nhà, ảnh hưởng đến kết quả điều trị khi bệnh có diễn biến nặng.
Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học: Người F0 điều trị tại nhà, người F1 sau khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR lần 2 âm tính (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) thì tiếp tục làm việc, đến trường dạy và học (cả giáo viên và học sinh). Các trường phải mở cửa để đón học sinh; các cấp học áp dụng kết hợp hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục tổ chức học bán trú nếu đủ điều kiện.
Đối với cấp học mầm non: Tùy theo nhu cầu, địa phương quyết định hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp.
Đối với các Trạm Y tế lưu động: Không thành lập thêm Trạm Y tế lưu động; tăng cường nhân lực và vật lực cho các trạm hiện có. Đồng thời huy động lực lượng sinh viên, học sinh Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng, Trường Đại học Hải Phòng để bổ sung cho các Trạm Y tế lưu động đang quá tải so với định mức của Bộ Y tế; đảm bảo sinh viên, học sinh vừa học, vừa tham gia hỗ trợ Trạm Y tế lưu động hiệu quả; thực hiện từ ngày 16/02/2022 đến ngày 16/3/2022. Giao các quận/huyện đề xuất; Sở Y tế tổng hợp; Sở Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ sinh viên, học sinh tham gia hỗ trợ Trạm Y tế lưu động; báo cáo UBND thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố đồng ý thí điểm thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng tại các quận/huyện: Lê Chân, An Dương, Hải An, Ngô Quyền. Đây là các quận/huyện có số ca nhiễm tăng cao và bình quân các trạm y tế lưu động đều trong tình trạng quá tải với mức quản lý điều trị cho hơn 200 trường hợp/trạm, thậm chí có trạm phải quản lý, chăm sóc cho hơn 300 bệnh nhân… Mỗi quận/huyện sẽ thí điểm từ 5-7 tổ, mỗi tổ từ 5-6 người, chủ lực là lực lượng thanh niên để hỗ trợ cho Trạm Y tế lưu động và những người bị F0. UBND các quận/huyện nếu thấy cần thiết thì đề xuất, báo cáo UBND thành phố. Việc thực hiện thí điểm trong vòng 10 ngày, sau đó các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và báo cáo UBND thành phố. Giao Sở Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ Tổ chăm sóc cộng đồng thí điểm; báo cáo UBND thành phố.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp hoạt động 24/24h; Trung tâm chỉ huy cấp xã hoạt động chung với địa điểm của Trạm Y tế lưu động để phát huy hiệu quả.
Giao Sở Y tế lập Kế hoạch luân chuyển, bổ sung lực lượng y tế ở các bệnh viện khác cho các cơ sở điều trị tầng 3 (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Kiến An) khi nhu cầu điều trị tăng; đào tạo sinh viên để hỗ trợ khi cần thiết. Tại các cơ sở điều trị tầng 2: Đào tạo chuyên môn bác sĩ chuyên ngành khác để điều trị COVID-19, tăng cường lực lượng sinh viên hỗ trợ.
Sở Y tế tích cực làm việc với Bộ Y tế đế xin cấp vắc xin, thuốc cho thành phố; chỉ đạo Thanh tra Y tế tổ chức kiểm tra tất cả các quầy thuốc, hiệu thuốc và xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc không đúng quy định.
Sở Y tế và Sở Tài chính giải quyết dứt điểm các trình tự, thủ tục mua sắm kít thử SARS-CoV-2. Khuyến khích người dân tự mua, tự xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh; khai báo y tế trung thực khi bị dương tính.
Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong công tác phòng, chống COVID-19.