Tin địa phương

Hải Phòng tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Văn Công 27/03/2025 - 17:15

Ngày 27/3, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tính từ ngày 1/1 đến ngày 24/3/2025, toàn thành phố ghi nhận 382 trường hợp mắc sởi, trong đó có 220 trường hợp đã khỏi bệnh (57,6%), 0 có ca bệnh tử vong.

Bệnh sởi là bệnh có khả năng lây lan rất cao qua đường hô hấp, đặc biệt trong môi trường đông người như trường học, khu dân cư. Hải Phòng là một thành phố lớn có tỷ lệ biến động dân cư cao, làm tăng nguy cơ lan truyền và phát dịch.

so-y-te-27.3.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh sởi.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi đạt mức cao trong các năm gần đây, vẫn còn một bộ phận trẻ chưa được tiêm đủ, làm giảm miễn dịch cộng đồng. Hàng năm vẫn còn khoảng 4%/năm (tương đương 1.000 trẻ/năm) trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm vắc xin sởi.

Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng và không nhận miễn dịch từ mẹ có nguy cơ bệnh cao, góp phần vào lan truyền virus trong cộng đồng.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 50.480 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.377 trường hợp dương tính với sởi tại 62 tỉnh, thành phố; 6 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Tại Hải Phòng, tính từ ngày 1/1 đến ngày 24/3/2025, ghi nhận 382 ca sốt phát ban nghi sởi (266 ca dương tính) tại 14/15 quận, huyện, thành phố trừ Bạch Long Vỹ; 0 ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao gồm quận Lê Chân với 71 ca; thành phố Thủy Nguyên với 63 ca; quận Hải An với 43 ca; quận Kiến An với 37 ca; quận Hồng Bàng với 31 ca. Các ca bệnh rải rác trên địa bàn thành phố, chưa ghi nhận ổ dịch. Số ca mắc rải rác từ đầu năm và tăng nhanh trong thời gian gần đây (tuần 11 - 13), ghi nhận trung bình 27 ca/ngày.

Số ca mắc nhiều nhất ở trẻ trong nhóm trên 10 tuổi (26,2%), nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm (< 9 tháng) chiếm 14,9%. Có 60,2% các trường hợp mắc chưa tiêm vắc xin sởi. Trong đó, nhóm trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm vắc xin sởi chiếm tỷ lệ cao nhất (45,3%), nhóm chưa đến độ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) chiếm 14,9%. Trong 382 trường hợp mắc sởi ghi nhận đến ngày 24/3/2025 có 220 ca đã khỏi bệnh (57,6%), 0 có ca bệnh tử vong.

Trong các đợt dịch trước, năm 2014 có 1.003 ca, năm 2019 có 1.284 ca, thành phố Hải Phòng ghi nhận đỉnh dịch từ tháng 4 - 7 với chu kỳ khoảng 5 năm/lần. Các năm gần đây ghi nhận số ca mắc rải rác như năm 2020 28 ca, năm 2021 2 ca, năm 2022 15 ca, năm 2023 0 ca, năm 2024 21 ca. Số ca mắc tăng nhanh trong 2 tuần gần đây (tuần 12 và 13), với trung bình 27 ca/ngày. 60,2% các trường hợp mắc chưa tiêm vắc xin sởi.

Hiện nay, dịch vẫn ở trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ tăng số ca vẫn hiện hữu, thành phố cần tiếp tục phát triển các giải pháp đáp ứng nhằm hạn chế ca bệnh lan rộng và tăng cường phát hiện bệnh trên diện rộng để kiểm soát hiệu quả.

anh-minh-hoa-soi.jpg
Ảnh minh hoạ.

Trong thời gian tới, Sở Y tế quyết liệt triển khai hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin chống dịch sởi đạt tỷ lệ và tiến độ theo yêu cầu của Bộ Y tế (phấn đấu hoàn thành trước ngày 1/4/2025). Cập nhật hàng ngày tiến độ triển khai, kết quả đạt được của từng địa phương để đôn đốc, nhắc nhở. Nắm bắt ngay các vướng mắc trong quá trình triển khai để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Bên cạnh đó, duy trì báo cáo ca bệnh hàng ngày; thực hiện điều tra, xác minh ca bệnh ngay khi nhận được thông báo; khoanh vùng dịch tễ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi để xử lý kịp thời, triệt để.

Nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh của hệ thống y tế: Đảm bảo đầy đủ hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế,... tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến xã, phường đến quận, huyện, thành phố. Bố trí khu vực cách ly điều trị tránh lây nhiễm chéo.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát di biến động dân cư và lây lan dịch bệnh: Giám sát các ca bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao như trường học, khu công nghiệp, khu trọ đông dân. Kiểm tra quá trình tiêm chủng, lịch sử tiêm chủng cho trẻ em trong các gia đình di cư, nhập cư để đảm bảo không bỏ sót đối tượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi