Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sáng 12/3, HĐND TP Hải Phòng khóa XV (2016 - 2021) tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 13 (bất thường) để thông qua nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh và ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) HĐND thành phố xem xét tờ trình của UBND thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phòng, chống dịch bệnh một cách có hiệu quả, nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống an toàn cho toàn thể nhân dân thành phố. Thực tế cho thấy, dịch bệnh COVID-19 đã có tác động đến tất cả các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của thế giới, đất nước và thành phố Hải Phòng.
Trường hợp dịch bệnh bùng phát, lây lan sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là rất lớn.
Theo số liệu thống kê 2 tháng đầu năm 2020, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu của Hải Phòng đạt 7.609,3 tỷ đồng, giảm trên 21% so với cùng kỳ; thu nội địa mới chỉ đạt 4.936 tỷ đồng, hụt 564 tỷ đồng so với tiến độ thu theo kế hoạch. Như vậy, nếu dịch bệnh bùng phát, kéo dài thì việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 là hết sức khó khăn.
Ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng phát biểu tại kỳ họp
Để chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, UBND thành phố Dự thảo Nghị quyết đưa ra lấy ý kiến thảo luận và đề nghị HĐND thành phố phê duyệt nhiều nội dung.
Theo đó, thành phố có chủ trương thực hiện ngay việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao, hoát chất, khẩu trang phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng kinh phí 126,743 tỷ đồng, trong đó: kinh phí mua sắm trang thiết bị là 61,846 tỷ đồng; kinh phí mua sắm phương tiện bảo hộ và chống nhiễm khuẩn là 12,078 tỷ đồng; kinh phí mua sắm khẩu trang là 31,5 tỷ đồng; kinh phí mua sắm vật tư tiêu hao là 4,409 tỷ đồng; kinh phí mua sắm trang thiết bị và hóa chất cấp thiết (nằm ngoài định mức) là 16,910 tỷ đồng. Các trang thiết bị được mua sắm trong thời gian chưa có dịch, sau khi hết dịch được bố trí sử dụng, lắp đặt tại các bệnh viện công lập của thành phố và các quận, huyện để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ khi thực hiện cách ly tập trung và khoanh vùng cách ly theo Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố khi dịch bùng phát: Đối với những người áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung và lực lượng phục vụ tại cơ sở cách ly được hỗ trợ tiền ăn với mức 65.000 đồng/người/ngày (thông qua bếp ăn tập thể). Đối với vùng cách ly (có dịch) theo Quyết định của cấp có thẩm quyền: hỗ trợ người dân bằng lương thực, thực phẩm thiết yếu với mức 45.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh tại các chốt, trạm kiểm dịch ở các đầu mối giao thông ra vào vùng cách ly có dịch theo Quyết định của cấp có thẩm quyền với mức 65.000 đồng/người/ngày làm việc.
Để có kinh phí chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch trong trường hợp dịch bùng phát trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đề nghị bố trí 1.000 tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19 với kịch bản 1.000 bệnh nhân dương tính và UBND thành phố sẽ chủ động điều hành theo diễn biến thực tế của dịch.
Nguồn lực thực hiện từ thực hiện tiết kiệm giảm chi 10% trong chi thường xuyên năm 2020, trừ tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương (ngoài 10% tiết kiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ); thực hiện chuyển nguồn từ nguồn kinh phí đã phân bổ để tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2020, gặp mặt Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và tặng quà cho các hộ gia đình nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng; sử dụng một phần từ nguồn Dự phòng ngân sách năm 2020 của thành phố.
Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, UBND thành phố cũng đề nghị dừng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2020, Lễ hội nghề cá Cát Bà, Liên hoan du lịch Đồ Sơn, Gặp mặt kỷ niệm và Tặng quà cho các hộ gia đình trên địa bàn thành phố nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.