"Hái" nhầm "nụ", nửa đời trả giá

Cao Bằng| 09/01/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi một sai lầm trong cuộc đời con người đều phải trả giá. Và, cái giá phải trả nhiều khi bằng chính hạnh phúc và tuổi trẻ của mình. Trong thế giới người tù, rất nhiều phạm nhân là những kẻ có tài năng thực sự.

Nhưng chỉ vì không biết cách sử dụng hoặc do một phút bốc đồng, họ đã lao vào tội lỗi để lại những nuối tiếc khôn nguôi...

Tuổi thơ không yên ả

Ở Trại giam Tân Lập có một phạm nhân được nhiều người nhắc đến nhờ bàn tay tài hoa và khả năng sáng tạo của mình, đó là Lê Khánh Hà (SN 1981, trú ở Tổ dân số 3, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang), đang phải thụ án 20 năm tù vì tội Hiếp dâm trẻ em) hay còn gọi là Hà "vua bếp". Hà quê gốc ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), có bố là kỹ sư xây dựng. Do công việc nên từ lúc thanh niên, bố Hà đã nay đây mai đó theo các công trình. Đến năm 1980, ông gặp một phụ nữ đã có một cô con gái riêng rồi nên duyên chồng vợ. Một năm sau, Hà được sinh ra.

Mặc dù ở với người chị gái là con riêng của mẹ, nhưng Hà luôn được che chở và luôn cảm nhận được tình thương yêu từ chị và bố mẹ mang lại. Hạnh phúc của Hà có lẽ cứ thế trôi đi nếu không có một ngày, mẹ cậu sinh em trai. Nhưng lần sinh này, em trai của Hà lại không bình thường như những đứa trẻ khác, cứ ngơ ngẩn, cười hềnh hệch. Vì vậy, thời gian dành cho em trai của mẹ đã chiếm hết thời gian dành cho cậu và gia đình.

Cũng từ đó, những khúc mắc gia đình Hà đã nảy sinh. Đến năm 1991, bố mẹ Hà chọn giải pháp ly hôn. Hà về ở với bố, còn chị gái và em trai theo mẹ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi chia tay mẹ, bố của Hà đã đi bước nữa với một người phụ nữ cũng đã có hai con riêng. “Dù không muốn, nhưng em vẫn chấp nhận sống chung một nhà vì không còn giải pháp nào khác”, Hà cay đắng nhớ lại.

Phạm nhân Lê Khánh Hà

   Hà bảo, đó là khoảng thời gian hết sức khó khăn đối với cậu. Sống với bố, lại còn quá nhỏ tuổi nên Hà đành phải chấp nhận một người đàn bà khác không phải mẹ mình xuất hiện trong nhà. Nhưng cũng từ đó, khái niệm gia đình, bữa cơm đầm ấm đã không còn xuất hiện. Nghe Hà kể chuyện, người ta sẽ thấy nỗi đau và sự hờn trách dành cho người cha vẫn còn âm ỉ. Hà nói thương mẹ và đứa em nhỏ tật nguyền. Mẹ không vì em như thế mà bỏ đi như một số bà mẹ khác. Mẹ cũng một mình vất vả nuôi em, dắt em lên thăm Hà. Với Hà, đó mới là điều đáng trân quý và thiêng liêng nhất...

Sau khi học hết phổ thông, Hà được bố xin cho theo học một trường nghề, nhưng chỉ được ít thời gian, cậu ta cũng nghỉ rồi về phụ giúp công việc ở Công ty riêng của bố. Do tính chất công việc hay phải đi nay đây mai đó, nên Hà quen biết cũng khá nhiều. Một lần qua nhà người bạn chơi, tình cờ Hà gặp cô bé Nguyễn Lan Ph., SN 1988, học sinh lớp 7 của một Trường THCS ở thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Nhìn Ph. hồn nhiên, ngây thơ đã khiến cho trái tim Hà rung động. Sau lần ấy, Hà và Ph. đã hẹn nhau đi chơi, rồi tình cảm của Hà và Ph. cứ tiến triển dần. Thế rồi, ở cái tuổi ấy, không ai dậy cho Hà biết những vấn đề giới tính và pháp luật, thế nên cậu đã "đi quá giới hạn" với người yêu mới 13 tuổi. Lúc bấy giờ, Hà chỉ nghĩ đơn thuần là đã yêu và xác định sẽ lấy nhau, cùng nhau xây dựng gia đình thì chuyện quan hệ tình dục chỉ là chuyện bình thường, không ai cấm cản. Hà không ngờ rằng, chính cái suy nghĩ ấy đã đẩy mình vào vòng lao lý...

Sa vòng lao lý vì "yêu" nhầm "nụ"

"Quả thật, lúc đó em không hề nghĩ rằng việc em làm với Phương là vi phạm pháp luật. Với lại khi ấy em đang buồn bã, gặp được Phương, em thấy cuộc sống tươi đẹp hơn rất nhiều. Từ khi quen biết cho đến khi yêu rồi "vượt qua giới hạn", mọi chuyện nó diễn ra quá nhanh khiến em không đủ tỉnh táo để nhìn nhận, đánh giá đúng sai...", Hà nhớ lại. Và việc "vượt qua giới hạn" giữa Hà và Phương diễn ra nhiều lần. Có đợt về quê nội chơi, Hà cũng rủ cả Phương đi cùng khiến gia đình bé gái tá hỏa đi tìm con.

Lúc đó, thấy Phương tâm sự là đang có chuyện buồn nên Hà muốn rủ người yêu về quê để thay đổi không khí. Phương nhận lời. Nhiều ngày thấy con gái bỏ học đi “mất tích” mấy ngày không về, bố mẹ Phương đã đi tìm. Qua dò hỏi, gia đình Phương biết được mọi chuyện và lặn lội về tận Phú Thọ, quê Hà để tìm con gái. Đối mặt với bố mẹ người yêu, Hà vẫn khăng khăng xin phép cho được cưới Phương làm vợ. Tuy nhiên, lời đề nghị của Hà đã không được gia đình Phương chấp thuận. Đồng thời, gia đình cô bé còn làm đơn tố cáo Hà gửi đến cơ quan Công an. Vài ngày sau, Hà bị bắt.

Những "tác phẩm" của Hà

“Ngày bị đưa ra xét xử, em vẫn cố cãi rằng chúng em chỉ yêu nhau và cô ấy tình nguyện chứ em không hề “ép” cô ấy. Nhưng qua những lời phân tích của vị Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, em mới hiểu ra việc làm của mình là hoàn toàn trái luật. Đến lúc ấy, em cũng chỉ nghĩ mình chỉ phải nhận mức án từ 2 đến 3 năm tù. Nào ngờ, sau giờ nghị án, HĐXX đã tuyên phạt em 20 năm tù giam. Nghe vậy, em như người chết đứng...", Hà nhớ lại.

Về cải tạo ở Trại giam Tân Lập hơn chục năm nay, Lê Khánh Hà trưởng thành hơn nhiều. Hà bảo rằng, ngày mới về trại, cậu ta cũng rất sợ, cái cảm giác tuyệt vọng lúc nào cũng hiện hữu và đã không ít lần, Hà đã tìm đến cái chết để giải thoát cho số phận của mình. Tuy nhiên, cũng chính những lúc ấy, những cán bộ quản giáo ở Trại giam Tân Lập đã động viên, an ủi giúp Hà đứng dậy. Khi Hà vừa mới dần bình tâm lại một chút thì cậu lại phải đón nhận thêm tin dữ từ gia đình: Công ty của bố Hà phá sản và ông cũng bị sa vào vòng lao lý, cũng phải ngồi tù…

Nhắc nhớ lại quãng thời gian ấy, Hà bảo: "Thời điểm đó, trong đầu em lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chết, nhưng cũng may, các cán bộ trại giam đã giúp em tìm lại được cân bằng, cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Dần dần, em đã không còn mặc cảm là một tù nhân. Những lúc em tuyệt vọng nhất, các cán bộ thường bớt chút thời gian ngồi tâm sự, sẻ chia. Dần dà, em xem họ như những người thân của mình vậy! Ở bên họ, em không còn cảm giác sợ hãi mà còn học được tính kiên nhẫn để đứng dậy sau vấp ngã. Điều đó đã giúp cho em cải tạo tốt".

Tươi sáng một lối về

Vào trại, nhờ khéo tay nên Hà được cán bộ sắp xếp làm công việc nấu ăn cho các phạm nhân. Mỗi lần nhìn các bạn tù ăn uống ngon miệng sau giờ cải tạo là Hà cảm thấy vui và có ích. Hà đã tìm được niềm vui trong công việc. Trong cuốn sổ tay của cậu kín mít là công thức của các món ăn, kèm theo đó là mấy hình vẽ minh hoạ. Hà kể, mỗi lần đọc được ở đâu dạy cách chế biến các món ăn, cậu đều ghi chép lại tỉ mỉ. Món nào dễ, phù hợp với điều kiện trong trại thì cậu thực hành ngay, còn những món công phu, đòi hỏi nhiều thời gian và nguyên liệu cao cấp thì Hà chỉ "trổ tài" vào những dịp lễ, Tết.

Sau mấy năm "lăn lộn" trong nhà bếp, giờ tay nghề của Hà đã nổi tiếng trong toàn trại. Không chỉ có biệt tài về nấu nướng, mà nhờ ham học hỏi, lại có khiếu thẩm mỹ, cậu còn có thể bày biện các món ăn một cách hết sức sinh động. Nhiều anh em phạm nhân còn gọi Hà với biệt danh Hà "vua bếp". Thấy công sức mình bỏ ra được anh em thừa nhận, Hà ngày càng say mê với công việc bếp núc của mình. Hà bảo: "Đây cũng là khoảng thời gian tốt để em trau dồi nghề nghiệp, sau này ra đời còn có cái nghề để làm kế sinh nhai".

Bản án 20 năm tù giờ đây không còn thăm thẳm đối với Hà. Giờ cậu chỉ còn biết quan tâm và chú ý đến công việc của mình. Hà lạc quan cho biết sẽ tự tin khi ra tù vì đã có nghề nghiệp trong tay. Dự định của cậu là sau khi mãn hạn sẽ bắt đầu làm lại cuộc đời bằng cách mở một quán ăn bình dân.

Và, ngày về của Hà cũng không còn quá xa. Bởi, nhờ sự cố gắng chuyên tâm cải tạo, trong mấy năm vừa qua, Hà đã nhiều lần được giảm án. Chỉ còn vài năm nữa thôi, cậu sẽ được trở về với cuộc sống đời thường. Hà bảo, việc đầu tiên khi cậu bước ra khỏi cổng trại là về thăm mẹ. Trong đống tư trang, đồ dùng cá nhân, ngoài cuốn sổ tay ghi những công thức nấu ăn, Hà còn giữ tấm ảnh của mẹ và đứa em trai bị thiểu năng như báu vật.

Còn khi nhắc đến Phương, Hà ngậm ngùi: “Em yêu cô ấy thật lòng, Phương trong sáng, thông minh lắm. Nhưng tình yêu của chúng em đã bị gia đình Phương phản đối. Qua người thân, em biết cô ấy cũng khóc rất nhiều nhưng vì còn quá trẻ nên cô ấy chẳng biết làm thế nào để “cứu” em. Và sau đó, Phương cũng chẳng lên thăm em lần nào. Nghĩ cũng buồn, nhưng may em còn có mẹ. Mặc dù, một thời gian dài không sống cùng mẹ, nhưng hay tin em gặp lỗi lầm, mẹ đã không quản đường xa, đưa đứa em tật nguyền lên thăm em”.

Quả thật, khi đã xuất hiện trên cuộc đời, ai cũng mang trong mình những giá trị. Giá trị với gia đình, giá trị với xã hội và giá trị với chính bản thân mình. Có thể cuộc sống đã đẩy chúng ta đến với sai lầm. Nhưng không vì thế mà con người ta đánh mất niềm tin, đánh mất đi giá trị của bản thân. Những phạm nhân như Lê Khánh Hà là trường hợp rất nhỏ trong rất nhiều những trường hợp như thế. Hy vọng rằng, Hà sẽ tiếp tục tìm lại và phát huy được hết giá trị của bản thân mình để sửa chữa và làm lại cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hái" nhầm "nụ", nửa đời trả giá