Năm 2014 đã sắp khép lại và với bóng đá Việt, hai nghi án làm dậy sóng dư luận chính là vấn đề tuổi của cầu thủ Công Phượng và nghi án bán độ của ĐT Việt Nam tại AFF Cup vừa qua.
Công Phượng sinh năm nào?
Chưa bao giờ cái tên Công Phượng lại được nhắc nhiều đến thế, hơn cả khi Phượng cùng đồng đội giành huy chương tại giải U19 Đông Nam Á, hay khi U19 Việt Nam tham gia giải đấu U19 châu Á tại Myanmar.
Sự việc bắt đầu từ một nghi vấn được một tờ báo đặt ra là có thể Công Phượng không phải sinh năm 1995. Và nếu đúng thế thì Công Phượng đã qua cái tuổi để tham gia vào U19.
Sở Tư pháp Nghệ An báo cáo Công Phượng sinh năm 1995 như trong Giấy khai sinh
Ngay sau đó là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong quá trình đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này. Phóng viên theo nhau về quê Công Phượng ở Nghệ An, để tìm hiểu và theo đó là hàng loạt các bài báo với những dẫn chứng từ giấy khai sinh, học bạ, rồi trả lời của chính quyền địa phương…Tất cả đều xoay quanh hai con số năm sinh :1995 hay 1993.
Khi mọi nghi vấn cũng như những tranh cãi trái chiều đẩy lên đến đỉnh điểm, Bộ Tư pháp đã phải yêu cầu sở Tư pháp Nghệ An vào cuộc. Và đến chiều ngày 5/12, báo cáo của Sở Tư pháp Nghệ An cho biết: Cầu thủ Công Phượng sinh ngày 21/1/1995 như trong Giấy khai sinh gốc.
Như vậy sau gần 1 tháng, khi sự việc được nêu ra, câu kết luận cuối cùng đã có: Công Phượng sinh năm 1995. Thế nhưng, những ồn ào của nó thật là khủng khiếp, bởi nếu chỉ cần gõ “tuoi cua cong Phuong” trên google sẽ cho ra 12 triệu kết quả trong 0,24 giây; còn nếu gõ “cong Phuong gian lan tuoi” cũng cho ra hơn một triệu kết quả trong 0,30 giây.
Kết luận cuối cùng đã trả lại cho Công Phượng sự yên ổn để tập trung cho sự nghiệp bóng đá, thế nhưng hệ lụy của nó mới đây nhất chính là việc Bầu Đức đã không để U19 HAGL tham dự giải U19 Quốc gia 2015, bởi không muốn lứa học viên thứ hai của học viện HAGL Arsenal JMG lộ diện quá sớm.
ĐT Việt Nam bị nghi bán độ tại AFF Cup 2014
Một nghi án cũng đình đám và tốn nhiều giấy mực của báo chí rơi vào thời điểm cuối năm 2014, đó là nghi án ĐT Việt Nam bán độ tại AFFCup 2014.
Sự việc bắt đầu khi ĐT Việt Nam nhận thua đau trên sân Mỹ Đình trước ĐT Malaysia ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 vào ngày 11 tháng 12.
Trước đó ĐT Việt Nam đã xuất sắc ở với ngôi nhất bảng A, giành quyền vào bán kết. Ở trận bán kết lượt đi trên đất Malaysia, trước sức ép của gần 80 nghìn cổ động viên nước chủ nhà, ĐT Việt Nam đã giành chiến thắng 2-1 và đặt một chân vào chung kết.
Chính vì vậy ở trận bán kết lượt về, ĐT Việt Nam được nhìn nhận là có lợi thế hơn đội khách và chắc chắn vào chung kết.
Thế nhưng, thật bất ngờ khi ĐT Việt Nam đã phải nhận tới bốn bàn thua và sự nỗ lực không mệt mỏi của Công Vinh cũng chỉ giúp ĐT Việt Nam gỡ được hai bàn.
Nghi án bán độ đã được đặt ra khi ĐT Việt Nam thua trong trận bán kết lượt về AFF cup 2014. Ảnh: VTC News
Phải thừa nhận rằng, đó là một trận đấu mà ĐT Việt Nam đã bị cóng chân khi có một lối chơi vô cùng bạc nhược và phải nhận những bàn thua ngớ ngẩn. Ngay sau đó, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tuyên bố sẽ mời cơ quan chức năng vào để điều tra trận thua bất thường của ĐT Việt Nam.
Nghi án bán độ đã được chính chủ tịch VFF đặt ra ngay cùng với sự băn khoăn nghi ngờ của người hâm mộ. Các cầu thủ lên tiếng, có người thì thất vọng với vị chủ tịch như hậu vệ Phước Tứ, có người trải lòng trên FB và khẳng định không bán độ như Thành Lương, có cầu thủ chỉ buồn và xin lỗi vì đã thua như tiền đạo Lê Công Vinh…và tất cả các cầu thủ đều khẳng định không bán độ.
Tại thời điểm đó, trên khắp các diễn đàn cũng như ngoài xã hội, đâu đâu cũng thấy nói đến nghi án bán độ. Có người tiêu cực khi tuyên bố sẽ không bao giờ xem ĐT Việt Nam thi đấu, nhưng cũng có nhiều ý kiến tin tưởng vào các cầu thủ.
Trong khi VFF chưa có kết luật thì AFF đã lên tiếng khẳng định không có việc bán độ trong trận đấu này. Cơ sở để AFF đưa ra kết luận chính là bản báo cáo của Sportradar, công ty dữ liệu thể thao chuyên phát hiện tiêu cực nổi tiếng thế giới
Và mới đây, sau cuộc họp giữa ban huấn luyện ĐT và VFF, ông Mai Đức Chung, trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2014 cho biết đa phần các ý kiến đều chỉ ra nguyên nhân thua của ĐT Việt Nam trước ĐT Malaysia là do vấn đề chuyên môn cũng như tâm lý thi đấu của các cầu thủ trẻ chưa ổn định.
Hai nghi án liên quan đến bóng đá Việt năm 2014 cuối cùng cũng đã có lời giải, và may mắn là cả hai đều có những kết luận cuối cùng tích cực.
Với Công Phượng, nghi án tuổi tác sẽ là một bài học vô cùng đắt giá cho cầu thủ tài năng này trong việc đối diện với áp lực từ dư luận và điều đó sẽ giúp CP10 trưởng thành hơn.
Còn với bóng đá Việt Nam, sự nghi ngờ xuất phát ngay từ người đứng đầu của VFF khiến niềm tin vào bóng đá vốn đã mất đi nhiều giờ lại tiếp tục bị bào mòn và chỉ có phép màu thời gian may ra mới có thể lấy lại.