Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thế nhưng câu chuyện nhặt sạn, chỉ ra hạn chế của một số bộ sách vẫn là vấn đề khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng, đặt ra nghi vấn một số bộ sách liệu có đảm bảo chất lượng để giảng dạy hay không?
Những ngày qua, làn sóng dư luận vô cùng chú ý đến bộ SGK Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P độc lập với tư cách là một phụ âm đứng trước (ví dụ: Po, Pô, Pi, Pa…) với lý do trong tiếng Việt rất ít từ có phụ âm P đứng trước các nguyên âm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là một thiếu sót lớn mà cả người biên soạn sách giáo khoa, nhà xuất bản và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa mắc phải.
Bởi lẽ ngay từ năm 1987, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do chính NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành đã dạy học sinh lớp 1 những kiến thức này.
Hơn nữa, những từ mà Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức cho là từ ngoại lai thực chất đã được Việt hóa và trở thành tài sản của Tiếng Việt hiện đại, được đưa vào Từ điển Tiếng Việt do GS Hoàng Phê Chủ biên từ năm 1987.
Mặt khác, sách giáo khoa Tiếng Việt là sách dạy chung cho con em đồng bào 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc không dạy chữ P và âm Pờ trong tiếng Việt sẽ làm cho con em của 53 dân tộc ít người gặp khó khăn trong việc tiếp cận và học tiếng phổ thông, thực hiện quy định của Luật giáo dục 2019 tại khoản 1 Điều 14: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc”.
Trước đó, các các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra nhiều lỗi mà sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gặp phải như: không dạy học sinh viết chữ hoa theo quy định bắt buộc của chương trình; đưa ra những yêu cầu vượt chương trình, vượt quá khả năng nhận thức của học sinh lớp 1;
Cụ thể: yêu cầu các em phát biểu cảm nghĩ về những đoạn thơ, đoạn văn, hay cảm nghĩ về một người, một sự việc.
Một số ngữ liệu hiện đang dạy trong chương trình Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở (truyện “Tôi đi học” của Thanh Tịnh) xuống dạy ở lớp 1, biến một áng văn hay được nhiều chục thế hệ học sinh yêu mến trở thành một bài tập đọc bị gọt đẽo thô bạo, không còn mang hồn cốt của nguyên tác, gây phản cảm trong giáo dục mỹ học đối với học sinh.
Không chỉ vậy, dư luận và truyền thông còn lên tiếng về những sai sót khó chấp nhận trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6, Khoa học tự nhiên 6 cũng thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam: Nhiều câu chuyện và hình ảnh trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiếu tính giáo dục, thiếu tính thực tiễn, có dấu hiệu vi phạm Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa quy đinh tại Thông tư 33/2017 của Bộ GDĐT.
Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên dạy sai kiến thức nghiêm trọng, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 không tuân thủ quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ GDĐT ban hành kèm theo Thông tư 32/2017.
Ví dụ, không dạy các ngữ liệu văn học theo thể loại để các em học sinh bước đầu làm quen với các thể loại văn học, mà dạy theo các chủ đề như dạy môn Tiếng Việt đối với học sinh tiểu học. Nhiều thể loại văn học phải dạy ở các lớp trên được đưa xuống dạy ở lớp 6.
Một số ngữ liệu văn học không tiêu biểu cho thể loại hoặc gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn về chân giá trị của cái đẹp trong văn học, gây bất bình trong dư luận.
Trước những vấn đề đã nêu trên, dư luận cho rằng cần có một phương án hay cách xử lý triệt để về sạn cũng như những hạn chế mà bộ sách đang gặp phải, sách giáo khoa là học liệu vô cùng quan trọng, là nền móng đầu tiên để học sinh khám phá khoa học, tri thức bởi vậy nói cần chuẩn và chính xác.