Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Nguyễn Phan Khiêm| 28/01/2017 07:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày đầu năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập để nhìn lại chặng đường 20 năm với biết bao vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui trước những thành tựu đã đạt được.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thẩm phán Trương Trọng Tiến, Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam, xung quanh chuyện Tòa, chuyện nghề với những chia sẻ thẳng thắn, chân tình.

Vạn sự khởi đầu nan

Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam Trương Trọng Tiến tiếp chúng tôi với bộ bàn ghế vốn là “hồi môn” từ hồi chia tách tỉnh 20 năm trước và bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ mãi ngày 21/2/1997, Lễ tiễn và đón các cơ quan tỉnh Quảng Nam vào làm việc tại tỉnh lỵ Tam Kỳ được tổ chức trọng thể. Lễ tiễn tại Đà Nẵng do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức diễn ra tại tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương lúc 6 giờ 30 phút, chúng tôi là những người lên đường trở lại Tam Kỳ có rất nhiều cảm xúc, vừa ngậm ngùi vừa háo hức...”.

Lễ đón tại tỉnh lỵ Tam Kỳ do Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Tam Kỳ tổ chức tại Quảng trường 24-3 vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày, vì Tam Kỳ khi đó đâu có hội trường nào đủ lớn.

Ký ức về thị xã Tam Kỳ 20 năm trước ùa về, đúng là một thời kỳ gian khó. Tam Kỳ bây giờ đông vui, sầm uất nhưng hồi đó từ ngoài vào đến Văn Thánh mới thấy có phố xá. Mọi người vẫn nói vui, “vô Tam Kỳ không biết đường nào mà đi” vì cả thành phố chỉ có một trục đường Phan Châu Trinh hay “Tam Kỳ kỳ nhất là không có ngã tư”.

Thị xã chỉ có ba con đường ra chất đô thị một chút là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Cao Vân, còn lại là nhỏ hẹp, nhếch nhác, hiếm có nhà hai tầng nói chi đến nhà hàng, khách sạn. Phố xá không vỉa hè, không đèn đường, nhìn quanh chỉ thấy đồng ruộng mênh mông, cỏ mọc um tùm. Những ngày mưa, ngập, anh em cán bộ các cơ quan còn tranh thủ đi bắt cá để cải thiện cuộc sống.

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Tam Kỳ ngày nay đã trở thành một thành phố văn minh, hiện đại

Đoàn Tòa án gồm 16 người trở lại Tam Kỳ, đứng đầu là Chánh án Trần Ngọc Triều. “Năm đó anh Triều 45 tuổi còn tụi tôi mới ngoài 30. Bây giờ, các anh em thế hệ trẻ hay gọi đùa chúng tôi là các vị tiền hiền của Tòa án Quảng Nam. Lúc bấy giờ chưa có trụ sở nên Tòa án tỉnh làm việc tạm tại một trường chính trị của Tam Kỳ, vốn là cơ quan của chế độ cũ. Anh em xúm lại kê xếp hội trường xét xử, ngăn một phòng cho Chánh án, còn đa số ngồi chung. Nhiều cơ quan khác khó khăn hơn, phải thuê nhà dân để làm việc”, Chánh án Trương Trọng Tiến nhớ lại.

Có thể nói khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng anh em đoàn kết, kiên trì từng bước để sớm ổn định và đi vào hoạt động bình thường. Dưới sự chỉ đạo của Chánh án Trần Ngọc Triều, năm 1997 hoạt động xét xử của Tòa án Quảng Nam vẫn đạt kết quả cao.

“Ba chân bốn cẳng mà chạy” để kịp thời giải quyết cho dân

Cùng với sự phát triển của đất nước, Quảng Nam nói chung, Tòa án Quảng Nam nói riêng đã trưởng thành, phát triển vượt bậc cả về nhân lực, trình độ, cơ sở vật chất, nhưng nói như Chánh án Trương Trọng Tiến, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án vẫn như vậy, cho nên tiếp tục phát huy truyền thống, Tòa án Quảng Nam luôn tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao mà mục tiêu cao nhất là xét xử khách quan, công bằng, đúng pháp luật với tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân.

Theo ông Tiến, cụ thể hóa mục tiêu đó mới khó, và có cụ thể hóa được thì hoạt động xét xử mới hiệu quả, mới đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ có vụ án một học sinh lớp 11 trèo tường vào nhà người ta nhặt đồ, theo quy định của pháp luật thì có thể xử tù giam nhưng ông cho rằng nếu xử tù giam thì tương lai thằng bé sẽ hỏng. Bây giờ nó chưa biết bẻ khóa, mới trèo tường thôi, nếu đi tù thì sau vài năm sống chung với bọn tội phạm chuyên nghiệp, thằng bé sẽ biết dùng chìa khóa vạn năng, sẽ ăn trộm lớn hơn. Vì thế, phải cân nhắc cho kỹ. Vận dụng cho đúng pháp luật đã khó nhưng thấu tình, đạt lý, xét xử sao cho công bằng còn khó hơn.

Trong các cuộc họp cán bộ chủ chốt, lãnh đạo luôn xác định trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Chánh án nhắc đi nhắc lại thông điệp với toàn ngành là: “Không được để dân kêu ca. Nếu dân kêu ca thì các đồng chí ba chân bốn cẳng mà chạy, để nhanh chóng giải quyết cho dân kịp tiến độ, đúng qui định của pháp luật”.

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Chánh án Trương Trọng Tiến đến thăm vị Chánh án tiền nhiệm Trần Ngọc Triều nhân dịp chuẩn bị đón xuân mới 

Tôi đã trò chuyện với một thư ký Tòa Dân sự của Tòa án tỉnh và một thư ký Tòa án huyện Điện Bàn về tình trạng ở một số địa phương có hiện tượng gây khó khăn cho đương sự ngay từ khâu nhận đơn, thụ lý vụ án, các thư ký này cho rằng ở Quảng Nam tuyệt đối không có chuyện đó. “Có nhiều vụ bọn em hướng dẫn dân viết đơn hoài không xong, nên phải viết giúp họ luôn. Để kéo dài, rồi dân không hiểu mà kêu ca thì mình cũng mệt. Lãnh đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên thấy có hiện tượng nhũng nhiễu là xử nghiêm, nên không ai dám lơ là”.

Năm 2016, Tòa án hai cấp Quảng Nam đã giải quyết, xét xử 5.377/5.448 vụ việc các loại, đạt 98,7%; bình quân mỗi Thẩm phán của Quảng Nam đã giải quyết 626/631 vụ, đạt 99,21%, mỗi Thẩm phán giải quyết 70 vụ án/năm.

Có thể nói những giải pháp đồng bộ của Tòa án tỉnh Quảng Nam mà Chánh án Trương Trọng Tiến chia sẻ đã đạt những hiệu quả tích cực, với những con số thống kê rất thuyết phục.

Án hành chính - phải đủ bản lĩnh

Chánh án Trương Trọng Tiến có 10 năm ở cương vị Chánh tòa Hành chính. Ai cũng biết rằng án hành chính là loại án khó vì nhiều lẽ. Ông Tiến cho hay, vấn đề là ở chỗ Thẩm phán phải đủ bản lĩnh. Tuy nhiên, thực tế phức tạp, có nhiều vụ Tòa phải thuyết phục nhiều lần, giải thích nhiều lần mới đến được kết quả cuối cùng. Ví dụ vụ án Công ty Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh kiện UBND tỉnh Quảng Nam, Tòa Hành chính đã tổ chức 5 phiên đối thoại, 5 lần mở phiên tòa, 2 lần tạm đình chỉ, 1 lần xem xét, thẩm định, định giá tại Trạm Dược liệu Trà Linh thì hai bên mới tìm được tiếng nói chung. UBND tỉnh Quảng Nam đã chấp nhận hoàn trả giá trị đầu tư vào Trạm Dược liệu phù hợp với thực tế nên bên Công ty rút đơn khởi kiện, khép lại vụ án kéo dài hơn hai năm.

Chánh án Trương Trọng Tiến nói: “Tôi vẫn thường trao đổi với bên Ủy ban, nhắc họ kiểm tra lại thật kỹ, cái nào Tòa nói quyết định đó không đúng quy định của pháp luật thì Ủy ban nên rút về làm lại. Và cái sai đó luôn luôn gắn liền với trách nhiệm. Nếu sai gây thiệt hại thì phải giải quyết sao cho hài hòa, cho người dân thấy thỏa mãn. Có người khi đương chức rất bực dọc với tôi nhưng khi về hưu lại rất thương tôi. Lúc đó họ mới nhận thấy ý kiến của Tòa là khách quan, đúng pháp luật, nếu họ tiếp thu thì tốt biết bao”.

Công tác xét xử của Tòa án là một hoạt động đặc biệt, thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của xã hội nên phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong mỗi đơn vị Tòa án là một vấn đề không đơn giản. Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Chánh án Trương Trọng Tiến nói: “Tôi vẫn thường xuyên trao đổi với anh em rằng Thẩm phán phải đặt cái tâm lên hàng đầu”.

Về xử lý những thông tin cán bộ cấp dưới nhũng nhiễu, tiêu cực, ông Tiến cho biết nhận được rất ít đơn thư than phiền hay tố cáo, chỉ có vài đơn thư nặc danh. Nhưng dù đơn thư nặc danh, ông cũng không bỏ qua, có thể tìm hiểu thêm hoặc nhắc nhở đối tượng có liên quan. Không ít lần ông ăn mặc xuềnh xoàng, ra ngồi quán nước gần cổng Tòa án nào đó để nghe dân nói về Tòa. Nếu thấy dân nói về trường hợp nào gây khó dễ sẽ xử lý ngay, tuyệt đối không dung túng.

Anh em trong Tòa cho hay, Chánh án của họ có rất nhiều thông tin từ phía dân chúng bởi phong cách gần gũi, đơn giản trong sinh hoạt. Dù là Chánh án tỉnh nhưng sáng nào ông cũng giữ thói quen ngồi cà phê vỉa hè, vẫn đi ăn ở những quán ăn bình dân, cuối tuần thì về quê… nên ông nghe được nhiều chuyện, nếu liên quan đến Tòa thì có biện pháp chấn chỉnh.

Theo ông Tiến, mong muốn của cán bộ Tòa án không phải có nhà cao cửa rộng mà chỉ mong có thu nhập đủ sống. Tòa án là nơi củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý, nhưng trong Tòa án thì con người là nhân tố quyết định… Vì thế, trong phạm vi thẩm quyền của mình, lãnh đạo tạo điều kiện tốt cho cán bộ, nhân viên bằng đề bạt, cất nhắc, khen thưởng, nhưng theo ông Tiến, như thế có lẽ vẫn chưa đủ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình