Hà Tĩnh: Những ngôi trường mang tên “lãng phí ”

Bá Mạnh| 08/11/2014 05:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với kinh phí tiền tỷ đầu tư xây dựng trường học, nhưng ngôi trường chưa hoàn tất lại phải chết yểu, trong khi các em học sinh thiếu lớp phải học 2 ca. Có ngôi trường vài chục tỷ, xây xong lại nằm phơi nắng vì thiếu học sinh...

Lãng phí - đó là từ mà nhiều người dân đã phải thốt lên khi nhìn cảnh những ngôi trường được đầu tư tiền tỷ để xây dựng. Nó lãng phí không phải vì số tiền đầu tư nhiều hay ít, mà bởi vì trường đang xây dựng dở lại phải hoãn thi công vô thời hạn. Cá biệt, có trường xây xong lại chuyển đổi mục đích cho đơn vị khác thuê. Có nhiều ngôi trường có chung “số phận” đó tại Hà Tĩnh.

Ngôi trường mới vẫn chỉ là... giấc mơ 

Gần 2 năm nay, thầy và trò ở trường THCS Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) luôn mơ giấc mơ đến ngày được bước chân vào khuôn viên ngôi trường mới, thay thế cho ngôi trường cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu thốn phòng học, dột nát. Nhưng giấc mơ đó đã không thành hiện thực vì trường mới đang xây thì phải dừng lại.

Dự án xây mới trường THCS Kỳ Thịnh được triển khai từ năm 2011, nằm trên địa bàn xóm 8 của xã với tổng diện tích 13.000 m2. Công trình này được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng rót vốn, UBND xã Kỳ Thịnh làm chủ đầu tư và giao Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình (trụ sở ở địa bàn huyện) thi công. Chi phí ước tính cho 10 phòng học, tường rào của giai đoạn một là 5,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2012.

Hà Tĩnh: Những ngôi trường mang tên “lãng phí ”

Trường THCS Kỳ Thịnh đang trong quá trình hoàn thành thì bị bỏ hoang gần 2 năm nay

Thế nhưng, khi đang bước vào giai đoạn hoàn thiện dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học thì phải dừng thi công.

Ông Nguyễn Tiến Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh cho biết: trường học không được phép xây tiếp do một số hạng mục “vướng” vào việc phải thay đổi lại thiết kế, cũng như vướng mắc trong mặt bằng xây dựng hàng rào. Vì thế xã đã yêu cầu nhà thầu dừng lại để điều chỉnh.

Đây là dự án thuộc sự quản lý của Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng. Xã đã nhiều lần làm tờ trình gửi Ban để xem xét hướng giải quyết. “Khi nào có quyết định từ trên xuống, thì mới tác động được đơn vị thi công, thúc đẩy họ tiến hành xây tiếp” – ông Bảy nói.

Qua gần 2 năm bị bỏ hoang, ngôi trường mới đang có dấu hiệu xuống cấp. Các phòng học nhiều chỗ trần nhà đã bị thấm ướt, nhiều nơi nước dột đọng xuống thềm thành vũng. Gạch lát nền đã bong tróc, vỡ vụn từng mảng dài. Tường có nơi nứt nẻ, rêu phong bám phủ. Hệ thống khung cửa bằng sắt ở các phòng học đều đã bị hoen rỉ hoàn toàn, bên trong các phòng chỉ một mùi ẩm mốc.

Thầy giáo Trần Xuân Lạc, Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Thịnh thông tin, cơ sở cũ khá chật hẹp, chỉ có 40 m2 và 15 phòng học. Trong khi đó, số lượng học sinh là 730 em với 23 lớp. Nhà trường vẫn thường xuyên phải tổ chức dạy hai ca nên rất vất vả.

“Dự định của chúng tôi là khi các hạng mục trong giai đoạn một hoàn thành sẽ chuyển một số học sinh lên cơ sở mới, tổ chức học một ca” – Thầy Lạc nói. Tuy nhiên, dự định đó của thầy đã kéo dài suốt 3 năm qua…

Trường xây dựng hơn 30 tỷ đồng rồi... nằm phơi nắng

Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh vài chục cây số lại có một ngôi trường bị bỏ hoang trong một thời gian rất lâu. Vào năm 2010, Trường THPT Mai Kính được xây mới trên địa bàn xã Việt Xuyên, với diện tích 34.000 m2, tổng vốn hơn 31,3 tỷ đồng. Công trình do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần xây dựng và Sản xuất vật liệu 22 - 12 đảm nhiệm thi công.

Đến năm 2012, ngành Giáo dục Hà Tĩnh có đề án quy hoạch lại trường mầm non và phổ thông, trường THPT Mai Kính thuộc diện thừa, nên phải giải thể. Thời điểm đó, dãy nhà 4 tầng gồm 16 phòng xây vừa xong phần thô và hàng rào được chủ đầu tư cho dừng thi công.

Hà Tĩnh: Những ngôi trường mang tên “lãng phí ”

Trường THPT Mai Kính khi xây xong phần thô lại phải dừng lại vì trường bị giải thể.

Sau nhiều năm phơi nắng, phơi mưa ở giữa cánh đồng, ngôi trường thành chỗ trú ngụ cho trâu bò. Toàn bộ hệ thống đang xuống cấp trầm trọng, các khối bê tông bị lòi thép ra ngoài, cầu thang lên xuống mốc meo, nhiều chỗ nứt nẻ…

Ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho biết, để tránh lãng phí, gần đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý cho Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) mượn có thời hạn để làm trung tâm cây giống.

Nói về thực trạng ngôi trường xây mới nhưng lại bỏ hoang này, thầy Dư Lý Trí - Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh nói: khoảng 5 năm về trước, học sinh trong toàn tỉnh nhiều, khoảng 40 vạn, nay chỉ còn hơn 23 vạn. Vì thiếu học sinh nhưng lại thừa lớp, nên phải tiến hành sáp nhập trường. Vì vậy, nhiều trường học đã quy hoạch từ trước, nhưng vẫn nằm trong đề án sẽ thừa ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Những ngôi trường mang tên “lãng phí ”