Để chủ động phòng chống cơn bão số 4 có khả năng đổ bộ vào Hà Tĩnh, mọi biện pháp chuẩn bị ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra đã gấp rút được thực hiện.
Tại thị xã Kỳ Anh, việc đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu được tiến hành từ sáng sớm nay. Các ngư dân đã triển khai nhanh việc di chuyển tàu bè vào nơi neo đậu an toàn, tránh gây thiệt hại lớn về tài sản.
Để ứng phó với mưa bão, thị xã Kỳ Anh sẽ cấp phát hơn 20.000 bao bì cho các xã, phường, nhất là những địa điểm trọng yếu để sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra do mưa to, gió lớn.
Tại cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà), ngư dân đang khẩn trương chằng chéo, neo đậu thuyền vào cảng kịp tránh bão.
Các tàu, thuyền đang được neo đậu vào cảng Cửa Sót
Ông Nguyễn Viết Hải (chủ tàu 90CV đang neo đậu ở cảng Cửa Sót) thông tin: “Từ chiều qua, khi đang cho tàu đánh bắt ngoài biển thì chúng tôi nhận được thông báo bão đổ bộ về Hà Tĩnh, đến 5h sáng nay, thấy mưa lớn, tôi phải khẩn trường cho thuyền về di trú, tiến hành neo thuyền, chằng chéo an toàn”.
Trung tá Trần Đình Chiến – Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết: Hiện nay các tàu thuyền cơ bản đã vào cảng, chằng chéo, neo buộc, đảm bảo an toàn.
Các bè nổi mực nhảy tại Vũng Áng, Kỳ Anh được di chuyển về nơi an toàn
Hiện nay Hà Tĩnh có 4 chiếc thuyền của ngư dân Thạch Bằng và Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) với 23 ngư dân đã vào đảo Bạch Long Vĩ và 2 chiếc khác với 13 ngư dân vào Đảo Cát Bà và có phương án tránh trú bão an toàn.
Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Khó khăn nhất ở cảng Cửa Sót là khi nhiều tàu thuyền cùng vào trú bão là luồng lạch tại khu vực vào cảng lại bị mắc cạn, tàu lớn từ 300CV trở lên không thể vào âu thuyền tránh trú bão ngay được mà phải chờ khi triều cường lên.
Hiện tại các tàu lớn đang phải chờ ngoài cảng không vào được, điều này rất nguy hiểm bởi trong trường hợp nếu bão vào mà triều cường chưa lên thì phải đưa xà lan ra cẩu vào, nếu xử lý không kịp sẽ ảnh hưởng đến tài sản của ngư dân”.
Một nhà hàng đang gia cố mái, tránh bị tốc do bão
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Chủ nhà hàng Hạ Hoàng (Xóm Tân Quý, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) cho biết: "Cơn bão số 2 vừa thổi bay toàn bộ phần mái của nhà hàng của chúng tôi, mấy hôm trước tôi vừa gọi người về sửa sang lại thì nay lại phải chằng néo để chuẩn bị đối phó cơn bão số 4.
Rút kinh nghiệm lần trước, bây giờ những tài sản có thể di chuyển sang nơi an toàn tôi cũng đưa đi gửi rồi, bàn ghế đồ đạc đã xếp gọn một góc, phần mái tôi cho gia cố thêm nên nếu bão có vào thì cũng sẽ giảm thiểu được thiệt hại về tài sản".
Sau cơn bão số 2, Hà Tĩnh thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng, hiện nay để sẵn sáng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, chính quyền địa phương các cấp đang triển khai các phương án chống bão, đảm bảo an toàn về người, tài sản mà cơn bão số 4 có thể gây ra.