Hà Nội vào cuộc ngăn chặn nạn quấy rối tình dục trên xe buýt

Ngọc Mai| 16/12/2014 14:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND Thành phố Hà Nội vừa giao Công an TP khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về việc quấy rối tình dục trên xe công cộng.

Trước đó, ngày 9/12/2014, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt.  Sau khi nhận được văn bản này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã  yêu cầu Sở GTVT cùng Công an thành phố và Tổng công ty vận tải Hà Nội vào cuộc.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới tính, Gia đình và Môi trường tại hai Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh mới được công bố vào ngày 28/11/2014, đã khiến không ít người giật mình.

Những phát hiện từ những khảo sát do ActionAid & CGFED và Plan thực hiện với những nhóm đối tượng  khác nhau cho thấy: Tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần.

Hà Nội vào cuộc ngăn chặn nạn quấy rối tình dục trên xe buýt

Bị quấy rối tình dục, song, trên thực tế nhiều thiếu nữ đã im lặng thay vì tố cáo (ảnh internet)

Nam giới và phụ nữ tham gia khảo sát đã coi vấn đề trộm cắp, cướp giật là rủi ro lớn nhất, tiếp sau đó là các hình thức quấy rối tình dục khác nhau. Chỉ 13% trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn tại những nơi công cộng .

Đáng lưu ý là phần lớn người bị hại hoàn toàn bị động khi phải đối mặt với tình huống bị quấy rối tình dục và những người chứng kiến hoàn toàn thờ ơ – 66% phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn không có bất kỳ phản ứng nào và 65% nam giới và người chứng kiến không hề có các hành động nào để can thiệp; 20% những người chứng kiến không làm gì khi thấy trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt. 

Ngoài ra, khảo sát do ActionAid & CGFED và Plan còn đưa ra nhiều vấn đề phụ nữ và trẻ em gái gặp phải ở các không gian công cộng. Việc thiếu và không đảm bảo các dịch vụ công có chất lượng như giáo dục, an ninh, phương tiện giao thông và nhà vệ sinh công cộng đều làm tăng thêm rủi ro đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế.

Trên cơ sở những nghiên cứu này, ActionAid & CGFED và Plan  mong muốn các cơ quan nhà nước có các hành động cụ thể, từ việc giáo dục công dân tôn trọng quyền phụ nữ cho đến việc tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, phương tiện giao thông hay nâng cấp nhà vệ sinh công cộng và các dịch vụ công có chất lượng cho người dân. Thường bị coi là những “công dân hạng hai”, người lao động nhập cư sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ chương trình này. Thái độ và hành vi của nam giới đối với phụ nữ cũng như văn hóa coi thường pháp luật cần phải thay đổi thông qua việc nhà nước đảm bảo thực thi luật hiệu quả và có các cơ chế giám sát, xử phạt phù hợp.

Đồng thời, tổ chức này cũng khuyến cáo: Thành phố cần và tăng cường hệ thống camera giám sát (CCTV) trên các phương tiện giao thông công cộng và các điểm nóng khác để thu thập đầy đủ bằng chứng cho sự can thiệp của pháp luật và để có biện pháp ngăn chặn các hành động quấy rối một cách kịp thời.

Hướng dẫn và thủ tục giải quyết các trường hợp quấy rối tình dục  nơi công cộng cần được rà soát và sửa đổi để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn. Tăng lực lượng nữ cảnh sát, trang bị kiến thức cho người dân trước khi tìm kiếm cơ hội ở đô thị, tập huấn cho lái xe và nhân viên soát vé trên các phương tiện giao thông công cộng là những giải pháp nên được thực hiện sớm.

Trước tình hình thực tế và những khuyến nghị của tổ chức trên, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và các em gái, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, yêu cầu hai cơ quan này cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng, đoàn thể của Thành phố khẩn trương điều tra, khảo sát để xác định rõ các địa điểm, các tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra hiện tượng quấy rối tình dục đối với phụ nữ.

Đặc biệt, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia yêu cầu triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ của hiện tượng này như: tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã/phường sở tại, cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Thành phố tăng cường tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và các em gái; tuyên truyền vận động chị em phụ nữ mạnh dạn tố cáo với các cơ quan chức năng khi bị quấy rối tình dục và các hành vi xâm hại khác.

Song song với đó, Thành phố được yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và các em gái.

Trước yêu cầu này của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, ngày 15/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương thực hiện các chỉ đạo nói trên và báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố.

Quấy rối và bạo lực tình dục gây ra những tác động vô cùng lớn cho toàn xã hội nói chung, cho bản thân phụ nữ và trẻ em gái nói riêng – làm giảm hiệu quả công việc, gây mất tự tin và ảnh hưởng xấu tới thể chất và tinh thần của những người bị hại.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vào cuộc ngăn chặn nạn quấy rối tình dục trên xe buýt