Hà Nội và TP.HCM tiếp tục vào top thành phố ô nhiễm nhất

Chí Tâm| 26/09/2019 16:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng và trưa 26/9, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong khi TP.HCM xếp thứ 5.

Theo số liệu từ Airvisual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu thời điểm sáng ngày 26/9, Hà Nội đứng đầu về chỉ số AQI là 204, trên cả Hàng Châu, Trung Quốc (AQI là 160) và thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI là 155). 

Trong khi đó, chỉ số AQI của TP.HCM cũng ở mức 144. Ở một số điểm Tô Hiến Thành, Trần Trọng Kim, nút giao Hai Bà Trưng - Lê Duẩn của phường DaKao và khu vực Võ Trường Toản chỉ số AQI là 156, 160, 167 và 171…

Ngoài 2 thành phố Hà Nội, TP.HCM, nhiều tỉnh ở khu vực phía Bắc cũng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tại Nghệ An, TP Vinh có thời điểm chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, tiếp sau là tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định cũng có chỉ số ô nhiễm từ 150 - 200, ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người.

Hà Nội và TP.HCM tiếp tục vào top thành phố ô nhiễm nhất

Không khí ô nhiễm trầm trọng tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Như vậy, với bảng đo được của Airvisual, hầu hết các khu vực ô nhiễm không khí của Việt Nam ở ngưỡng kém, khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mạn tính cần thở nhiều nên hạn chế ở ngoài.

Về nguyên nhân tại TPHCM, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường nhận định ô nhiễm không khí là do hoạt động khí tượng dẫn đến hình thành lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên nhân khiến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có thời điểm ô nhiễm hơn Hà Nội là do đốt rơm rạ. Vì vậy, thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng thường tập trung vào buổi sáng và chiều tối, trùng thời điểm người dân hay đốt rơm rạ.

Trước đó vào tháng 6/2019, hệ thống quan trắc PAMAir cũng ghi nhận nhiều thông tin bất ngờ, như các huyện ven đô còn ô nhiễm hơn nội thành, nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ô nhiễm hơn Hà Nội. Thời điểm này trùng với thời điểm sau vụ gặt ở miền Bắc. Người dân đốt rơm rạ dẫn đến ô nhiễm.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí ghi nhận, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các nghiên cứu quốc tế và trong nước chỉ ra, việc đốt rơm rạ tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5- vốn được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM­2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, được sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào các cơ quan trong cơ thể, gây ra hàng loạt các căn bệnh về hô hấp, tim mạch.

Không chỉ gây ra bụi mịn, việc đốt rơm rạ còn gây ra nhiều khí độc khác dẫn đến làm gia tăng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội và TP.HCM tiếp tục vào top thành phố ô nhiễm nhất