Phố đi bộ sẽ được triển khai tại khu vực hồ Gươm và khu vực phụ cận, áp dụng từ 19h đến 24h vào 3 ngày cuối tuần.
Sáng 26/8, UBND TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đã thông qua phương án tổ chức thí điểm các tuyến phố đi bộ khu vực hồ Gươm, áp dụng từ 19h đến 24h vào 3 ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, Chủ nhật). Thời gian thực hiện thí đểm từ 1/9 đến hết năm 2016.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội tổ chức không gian đi bộ trên các tuyến đường: Phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP Hà Nội cũng đã bố trí khu vực trông giữ xe để phục vụ người dân. Cụ thể, có 78 điểm đỗ để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy với diện tích trên 17.000 m2 sức chứa 87 xe du lịch, xe chở khách; 600 xe ôtô con và hơn 2.700 xe đạp, xe máy.
Đối với xe ôtô, thành phố bố trí 15 điểm trông giữ trên các phố: Lý Thái Tổ (đoạn từ Lò Sũ đến Lê Lai); Ngô Quyền (từ số 16 đến 22 và từ Lê Lai đến Lê Thạch); Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo; Hai Bà Trưng (trước số 34-38); Quang Trung (từ Hai Bà Trung đến Tràng Thi); Lê Phụng Hiểu (vườn hoa Diên Hồng); Cổ Tân (vườn hoa Cổ Tân); Phạm Ngũ Lão; Trần Nhật Duật (bãi đỗ xe cao tầng); Phùng Hưng (vỉa hè và lòng đường); Bát Đàn; Nhà Thờ; Hàng Trống và số 5 Quang Trung.
Ngoài ra, có 3 điểm đang đề xuất cấp phép bổ sung: Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Ngô Quyền – Tông Đản), Bà Triệu (đoạn từ Tràng Thi đến Trần Hưng Đạo), Tông Đản (đoạn từ Lý Đạo Thành đến Tràng Tiền).
Trước đó, thành phố đã thống nhất phủ sóng wifi miễn phí tại khu vực này, thời gian thực hiện cũng bắt đầu từ 1/9 tới. Cùng với đó, thành phố tiến hành xây dựng, lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng, trải đều trên nhiều quận, huyện.
Năm 2004, Hà Nội đã thực hiện thí điểm tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân. 10 năm sau, ngày 3/10/2014, không gian đi bộ được mở rộng 6 tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp I của phố cổ Hà Nội, gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ và Tạ Hiện.