Hà Nội: Tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm đối với phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông.

Quách Chữ| 04/10/2019 19:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực trạng nhiều học sinh đi xe gắn máy, xe điện đến trường, điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm đối với phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông.

Nhiều em học sinh vẫn vi phạm các quy định về ATGT khi đến trường.

Những năm gần đây, ý thức chấp hành an toàn giao thông (ATGT) của phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông ở các đối tượng này vẫn cần có sự chung tay từ nhiều cấp, ngành, tăng cường xử phạt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho các bậc phụ huynh và học sinh.

Hiện nay, học sinh của nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu bước vào năm học mới. Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông khi trẻ đến trường là rất cần thiết. Tuy nhiên thực trang nhiều học sinh đi xe gắn máy, xe điện đến trường, điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm đối với phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhằm đảm bảo trật tự ATGT.

Qua khảo sát của phóng viên Báo Công lý tại cổng Trường tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) đầu giờ sáng 3-10, mặc dù đang đợt cao điểm Công an quận Đống Đa và công an các phường trên địa bàn ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm, nhưng nhiều em vẫn để đầu trần đi xe đạp điện, xe máy (dung tích xi lanh dưới 50cm3) vào trường. Không chỉ các em học sinh, ngay cả các bậc phụ huynh đưa con em minh đến trường bằng xe máy nhưng vẫn không đội mũ bảo hiểm cho cả mình và con.

Việc xử lý vi phạm an toàn giao thông đã được các lực lượng chức năng Công án TP. Hà Nội tăng cường và đẩy mạnh tuy nhiên kết quả xử lý còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của một bộ phận học sinh và phụ huynh còn hạn chế. Khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra, đa số học sinh ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi không có tiền nộp phạt; học sinh dưới 16 tuổi vi phạm thường không có giấy tờ tùy thân, lo sợ nên việc xử lý vi phạm rất khó khăn. Hơn nữa, vi phạm chủ yếu xảy ra vào giờ cao điểm tại khu vực trước cổng trường học, nếu tập trung xử lý vi phạm sẽ gây ùn tắc giao thông.

Nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt phụ huynh và học sinh nếu vi phạm an toàn giao thông.

Hà Nội: Tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm đối với phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông.

Cần tăng cường xử phạt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho các bậc phụ huynh và các em học sinh

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Hữu Quân (Phòng Cảnh sát giao thông số 3, Công an thành phố Hà Nội) cho biết: “Lực lượng công an trên địa bàn luôn tăng cường tuần tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, các nhà trường để giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả đồng bộ, cùng với việc giáo dục con em mình, các bậc phụ huynh cần nêu gương trong việc chấp hành pháp luật giao thông, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy”.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong thời gian tới ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở học sinh, cha mẹ học sinh chấp hành quy định về ATGT, lực lượng chức năng cần tăng cường lực lượng tuần tra trên tuyến đường gần các trường học; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT liên quan đến trẻ em; tập trung xử lý hành vi người lớn chở trẻ em đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định thì những vi phạm này sẽ được kéo giảm.

Theo khảo sát của Ủy ban ATGT Quốc gia tại 10 tỉnh, thành trong cả nước vào năm 2018, tỷ lệ người trưởng thành khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, đạp điện đội mũ bảo hiểm đạt trên 90%; tuy nhiên, con số này ở trẻ em chỉ đạt mức 52%. Mặc dù từ năm 2012 đến nay, tình hình tai nạn giao thông đã được kéo giảm ở cả ba tiêu chí, gồm: số vụ tai giao thông, số người chết và số người bị thương; nhưng tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh với người dân, nhất là những vụ tai nạn giao thông mà trẻ em là nạn nhân. Theo thống kê, năm 2018 cả nước có hơn 8.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có tới hơn 1.000 nạn nhân là trẻ em.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm đối với phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông.