Ba Đình là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, là trung tâm hành chính - chính trị của cả nước. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, để thông tin rõ hơn về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa… của quận.
PV: Thưa đồng chí Tạ Nam Chiến! Tình hình kinh tế hiện tại của quận Ba Đình như thế nào? Các ngành kinh tế chính nào đang phát triển mạnh mẽ, thưa ông?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Mục tiêu phát triển kinh tế của quận Ba Đình trong giai đoạn 2020-2025 là:“Phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và định hướng phát triển kinh tế quận theo hướng dịch vụ thương mại”. Giai đoạn 2021-2024, mặc dù bị ảnh hưởng với hơn 02 năm đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố tác động khác từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị thế giới và khu vực, tuy nhiên kinh tế quận liên tục phát triển qua các năm, tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 11,1%. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán được giao 5-10%. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận đạt 5.770 tỷ đồng, bằng 87,65% dự toán được giao và ước cả năm 2024, bằng 105,6% dự toán.
Với vị trí là 1 trong 4 quận lõi của Hà Nội, là trung tâm hành chính – chính trị của thủ đô và cả nước, gắn với lịch sử hình thành từ lâu đời, trên địa bàn quận có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, trong cơ cấu kinh tế của quận, ngành dịch vụ ngành chiếm tỷ trọng trên 80%, nổi bật là các ngành: ngành tài chính và ngân hàng (với nhiều chi nhánh ngân hàng và tổ chức tài chính lớn có trụ sở trên địa bàn quận, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng cho cả cá nhân và doanh nghiệp); Ngành thương mại và bán lẻ với các trung tâm thương mại lớn, chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị. Ngành du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống gắn với các điểm thăm quan, di tích lịch sử và văn hóa thu hút khách du lịch trên địa bàn quận. Trong thời gian qua, quận đã đầu tư, đưa vào hoạt động và khai thác hiệu quả các không gian đi bộ kết hợp kinh doanh dịch vụ và ẩm thực tại khu vực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phường Trúc Bạch và khu vực hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh nhằm phát triển không gian văn hóa kết hợp du lịch, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống đến bạn bè trong nước và khách quốc tế; đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội quận.
PV: Quận Ba Đình đang đối mặt với những thách thức gì trong phát triển kinh tế - xã hội? Có những giải pháp nào đang được triển khai để giải quyết những thách thức này?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Với quá trình hình thành và phát triển gắn liền với Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay, đã để lại cho Ba Đình những dấu ấn đặc thù, đa dạng, nhất là trong quy hoạch – kiến trúc. Đô thị quận Ba Đình hiện nay là tổng hòa của 03 khu vực, mỗi khu vực đều gắn với một thời kỳ lịch sử phát triển và có nét đặc thù riêng: (1) Khu vực kinh thành xưa (Hoàng Thành - Thăng Long) và khu vực 13 làng trại của nông dân, thợ thủ công vẫn còn dấu ấn của cấu trúc làng xã, nơi đậm đặc các di tích Văn hoá lịch sử (với 74 di tích văn hoá lịch sử đã được công nhận); (2) Khu phố Cũ được quy hoạch từ thời kỳ đô thị hoá lần thứ 2 năm 1876 bởi người Pháp (KTS. Ernest Hebra) với rất nhiều công trình trước 1954 có giá trị kiến trúc thuộc các phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch, Điện Biên; (3) Khu vực đô thị hoá bao gồm các khu tập thể cũ được xây dựng còn tồn tại đến hiện nay gắn liền với giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên Miền Bắc, tập trung tại các phường Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh,… Cũng không thể không kể đến yếu tố đặc thù của đô thị, đó là sông Hồng mà Ba Đình cũng góp phần vào đó hơn 1,5km trên tổng số chiều dài khoảng 118km qua khu vực thành phố Hà Nội.
Vì vậy, việc quản lý và phát triển quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn quận đặt ra thách thức rất lớn cho quận với mục tiêu cải tạo, tái thiết và phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo sự hài hoà, cân đối; vừa phải bảo tồn được những khu vực di sản, những yếu tố đặc thù nhưng đồng thời cũng phải khôi phục, phát huy và nâng tầm các giá trị văn hóa là một thách thức không nhỏ cho quận.
Bên cạnh đó, với diện tích tự nhiên hạn hẹp, mật độ dân số cao (trên 24.000 người/km2), Ba Đình cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường cũng như việc phát triển các không gian công cộng.
Để giải quyết những thách thức nêu trên, cả hệ thống chính trị của Quận đang tập trung triển khai một số giải pháp như:
Tập trung thực hiện cải tạo hạ tầng, không gian đô thị gắn với việc phát huy bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng tạo điểm đến thu hút du khách cũng như triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn theo hướng “du lịch văn hóa” gắn với di sản văn hóa, di sản kiến trúc, sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương đặc thù. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, cải tạo hạ tầng kỹ thuật kết hợp chỉnh trang các công viên, vườn hoa; cải tạo, phát triển không gian khu vực bãi ven sông Hồng và các không gian bãi giữa. Từ đó, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đô thị, quy hoạch và tạo dư địa cho phát triển kinh tế xã hội.
Tập trung thực hiện tốt khâu đột phá trong công tác quản lý đô thị, trật tự văn minh đô thị với mục tiêu xây dựng quận Ba Đình “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại”, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị kết hợp với phát triển các tiện ích đô thị tạo thành điểm nhấn làm cơ sở nhân rộng ra trên toàn địa bàn quận, nhằm tiến tới đạt chỉ tiêu “sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh, hiện đại”.
PV: Xin ông chia sẻ về các dự án phát triển hạ tầng nào đang được thực hiện tại quận trong thời gian tới? Dự kiến, các dự án này sẽ góp phần như thế nào vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Trong thời gian vừa qua, quận Ba Đình đã tập trung đầu tư xây dựng, thực hiện các dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành việc chỉnh trang đối với 16 tuyến phố và dự kiến đến hết năm 2025 là 24 tuyến phố; đầu tư xây dựng và cải tạo 02 chợ; cải tạo nâng cấp 06 công viên, vườn hoa; thực hiện hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin tại 13 tuyến phố; Phát triển, mở rộng 02 khu vực thành không gian đi bộ kết hợp dịch vụ và ẩm thực.
Quận đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB các dự án, nhất là các dự án xây dựng các tuyến đường như: Dự án xây dựng Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục); dự án Công hoá mương và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây; dự án mở thông ngõ 12 Đào Tấn, các dự án mở rộng các tuyến đường, ngõ theo quy hoạch. Hoàn chỉnh dự án bể nước ngầm kết hợp trạm bơm chữa cháy tại các khu vực ngõ nhỏ, sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được để đảm bảo an toàn PCCC. Ứng dụng internet vạn vật (IOT) trong quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh tại các ngõ ngách trên địa bàn. Cải tạo hệ thống thoát nước hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước chống úng ngập cục bộ kết hợp cải tạo đường ngõ với những chi tiết nhận diện kết nối với các di tích trên địa bàn.
Trong năm 2025, quận Ba Đình dự kiến thực hiện xây dựng một số tuyến đường hoàn chỉnh khung hạ tầng giao thông, mở rộng một số tuyến ngõ như: đầu tư mở rộng một số tuyến ngõ trên phố Láng Hạ kết nối với phố Mai Anh Tuấn; xây dựng tuyến đường giao thông từ phố Đội Nhân đến đường Hoàng Hoa Thám và đường nối từ tập thể Quân Trang đến tuyến đường mới (đi qua điểm đất Ao Út Tu). Đề xuất UBND Thành phố đầu tư xây dựng, mở rộng tuyến đường Phan Kế Bính. Cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ: Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Liễu Giai, hoàn thành các khu vực hiện đại, tiện ích, tạo quỹ đất cho phát triển thương mại, dịch vụ...; Và dự án quy hoạch công viên Núi cung gắn với phục dựng các giá trị văn hóa lịch sử khu vực này, qua đó tạo lập cảnh quan, không gian xanh cũng như thu hút du khách. Đây là những dự án lớn sẽ thu hút các nhà đầu tư, tạo dư địa lớn góp phần cho phát triển kinh tế quận.
PV: Những chương trình nào đang được triển khai để nâng cao đời sống nhân dân trong quận? Có các hoạt động nào nhằm hỗ trợ người dân có thu nhập thấp không thưa ông?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Thực hiện Chương trình 08 của Thành uỷ, Chương trình 09 của Quận ủy về “Phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân; phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục đào tạo giai đoạn 2020-2025”, Quận Ba Đình đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong quận:
Thường xuyên thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn để quan tâm, chăm lo thường xuyên, chu đáo, kịp thời. Trong đó, đặc biệt quan tâm, chăm lo đến người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; chế độ chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ, chu đáo, tận tình.
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cải tạo các vui chơi, sân thể thao; xây dựng không gian đi bộ, cải tạo các vườn hoa, cây xanh mang lại không gian sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn cho nhân dân, khuyến khích người dân tham gia hoạt động thể thao và các hoạt động công công, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Quận đã đầu tư khôi phục những giá trị văn hoá, di tích lịch sử, truyền thống lễ hội vốn có của mảnh đất Ba Đình lịch sử; đã được công nhận 03 điểm du lịch hấp dẫn cho Nhân dân trên địa bàn quận và du khách trong và ngoài nước: 02 Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và Đảo Ngọc - Trúc Bạch. Xây dựng 02 khu phố kinh doanh dịch vụ kết hợp đi bộ; cải tạo cảnh quan không gian khu vực bờ sông Hồng. Hiệu quả của công tác đầu tư này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được quan tâm, chỉ đạo và có nhiều đổi mới. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn mạng lưới y tế tại cơ sở, nâng cao chất lượng các phòng khám, trạm y tế và công tác y tế dự phòng. Duy trì 100% các phường đạt chuẩn quốc gia về Y tế.
Đối với người dân có thu nhập thấp, Quận đã thường xuyên thực hiện có hiệu quả công tác cho vay vốn, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập và đời sống của người dân từ nguồn vốn Quốc gia, Thành phố và từ ngân sách quận. Thực hiện tốt công tác giới thiệu việc làm cho Nhân dân với nhiều hình thức phong phú: Tuyên truyền thông tin tuyển dụng việc làm trên cổng thông tin điện tử, trang zalo quận; trang thông tin, nhóm zalo các phường. Phát huy hiệu quả các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức hàng năm; qua đó thông tin rộng rãi tới người dân để dân biết và đăng ký tuyển dụng phù hợp với trình độ, năng lực, nhu cầu cá nhân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Riêng đối với các trường hợp không có khả năng lao động: Quận đã giao cho UBND các phường và các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, nắm chắc tình hình để có hình thức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng để đảm bảo cuộc sống, đảm bảo “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
PV: Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, quận Ba Đình có những kế hoạch gì để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống? Có các biện pháp cụ thể nào để giải quyết ô nhiễm và tăng cường không gian xanh?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Cùng với xu thế “Đô thị hóa” nhanh như ngày nay, quận Ba Đình đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với đặc điểm, tình hình như: tuyên truyền sử dụng năng lượng điện tiết kiệm; đầu tư sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở làm việc; các Dự án cải tạo hè phố đều bố trí bổ sung các mảng xanh, cây tán thấp; giải quyết, đảm bảo 100% không sử dụng than, bếp than tổ ong; thu gom chất thải nhựa, rác thải cồng kềnh để tổ chức tái chế; triển khai thực hiện Đề án số 2980/ĐA-UBND ngày 31/12/2021 về “Thay thế đèn chiếu sáng ngõ, xóm bằng đèn Led tiết kiệm điện, kết hợp sử dụng năng lượng sạch”; Tăng cường giám sát việc xử lý nước thải trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải nước thải chưa qua xử lý…
Bên cạnh đó, Quận Ba Đình đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 25/01/2024 về thí điểm Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn các phường Thành Công, Giảng Võ, Nguyễn Trung Trực, theo đó đã triển khai thực hiện thí điểm từ ngày 01/4/2024. Đảng ủy, UBND các phường đã tập trung chỉ đạo, triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị, đến người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH tại nguồn và thực hiện. Nhân dân cơ bản đã thực hiện đúng quy định về phân loại CTRSH tại nguồn… Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm tại 03 phường, UBND quận Ba Đình đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 27/9/2024 thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận, theo đó tổ chức triển khai thực hiện trên toàn bộ 14/14 phường trên địa bàn quận kể từ ngày 01/11/2024.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường và thiếu không gian xanh là những vấn đề nhức nhối tại các quận nội đô, trong đó có quận Ba Đình của chúng ta. Để giải quyết tình trạng này, cần có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp từ chính quyền và người dân trên địa bàn: (1) Tăng cường không gian xanh: Tăng cường diện tích cây xanh trên các tuyến phố, vỉa hè, công viên. Ưu tiên chọn các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, ít tốn nước, có khả năng hấp thụ bụi và khí độc tốt. Tổ chức các hoạt động trồng cây xanh cộng đồng để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. (2) Tiếp tục ĐTXD các công viên, vườn hoa trên địa bàn theo phân cấp nhằm tạo ra các không gian xanh công cộng để người dân thư giãn, tập thể dục. Thiết kế các công viên đa chức năng, kết hợp với các hoạt động vui chơi, giải trí. (3) Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân và CBCC nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đưa các chương trình giáo dục môi trường vào trường học; Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, xe máy điện và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
PV: Vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của quận là gì? Quận có kế hoạch nào để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phát triển?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Trong thời gian qua MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội của quận và các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận. Ngay từ đầu nhiệm kỳ UBND quận đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND quận và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa UBND và Thường trực HĐND, Ban thường trực Ủy ban MTTQ quận giai đoạn 2021 – 2026. Việc thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp đã góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Quận được thể hiện rõ qua các kết quả về kinh tế - xã hội mà quận đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là khi đối diện với những khó khăn, thách thức như: trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19; bổ sung lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và lũ lụt trên địa bàn phường Phúc Xá; cung cấp các điểm tạm trú ấm tình người, ủng hộ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 tháng 9 vừa qua nhanh chóng ổn định cuộc sống thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận; trong triển khai các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó của Đề án 06,…. Bên cạnh đó, còn là sự đồng hành của các đơn vị và nhân dân trong việc cải tạo không gian sông Hồng với điểm nhấn là việc ra mắt công trình “Bến hoa Phúc Xá-Ba Đình” vào ngày 30/10 vừa qua, đây là công trình có ý nghĩa kết nối sự sáng tạo với các không gian tại bờ vở sông Hồng đồng thời kết nối các điểm du lịch khác trên địa bàn Quận.
Trong thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục phối hợp với MTTQ Việt Nam quận Ba Đình và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia với chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng và và phát triển quận Ba Đình xứng tầm, tiếp tục khẳng định vị thế địa bàn trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, trái tim của Thủ đô và cả nước.
PV: Quận Ba Đình có kế hoạch gì để cải thiện giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới? Các chương trình đào tạo nào sẽ được chú trọng?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Đặc biệt đối với quận Ba Đình là trung tâm chính trị của Thủ đô và cả nước, thì vai trò của nguồn nhân lực càng được chú trọng và quan tâm phát triển. Để cải thiện giáo dục và chất lượng nguồn nhân lục, đáp ứng yêu cầu cao của toàn xã hội và sự phát triển chung của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, UBND quận Ba Đình sẽ tập trung vào các giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trách nhiệm, kỷ cương, tận tụy phục vụ nhân dân.
Đẩy mạnh đổi mới công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số coi đây là khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đổi mới công tác tuyển dụng, lựa chọn được những người thực đức, thực tài phù hợp với công việc. Quan tâm đổi mới phương pháp, áp dụng kỹ thuật dạy học hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.
Với những định hướng trên, trong thời gian tới Quận Ba Đình sẽ chú trọng các chương trình bồi dưỡng, đào tạo, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ quản lý toàn ngành. Hoàn thành chỉ tiêu 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019. Tập trung bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn và năng lực quản lý; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quản lý thu chi tài chính, xây dựng trường học hạnh phúc. Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giáo dục, xây dựng trường học số; Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đang đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu tiến tới xây dựng trường học thông minh, trường học chất lượng cao.
PV: Những chính sách nào sẽ được áp dụng để thúc đẩy phát triển văn hóa và du lịch tại quận Ba Đình? Quận có kế hoạch gì để phát huy giá trị lịch sử và văn hóa của khu vực?
Với mục tiêu“Phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo môi trường thuận lợi, phát triển kinh tế quận Ba Đình theo hướng dịch vụ thương mại giai đoạn 2020-2025”; Quận Ba Đình sẽ tập trung thực hiện các chính sách sau:
Đẩy mạnh việc quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa đặc trưng gắn với các di tích lịch sử, lễ hội, sản phẩm văn hóa truyền thống, sản phẩm ẩm thực; Tiếp tục vận hành hiệu quả trang Website phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quận Ba Đình với 02 tên miền: visitbadinh.com và visitbadinh.com.vn; phát triển mạnh các kênh giới thiệu, quảng bá hình ảnh như Youtube, Ticktok, Fanpage…Tích cực phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin của các đài truyền hình VTV1, VTV3, Hà Nội, các chương trình “Around Việt Nam”, “Hà Nội của chúng ta”…để thông tin quảng bá hình ảnh điểm đến trên địa bàn quận.
Triển khai xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, trọng điểm của quận giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn 2040. Đưa ra các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch. Tổ chức các hoạt động hợp tác hiệu quả với Tổng công ty Du Lịch Hà Nội Tourist về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, trọng điểm.
Chỉ đạo các đơn vị rà soát tiềm năng, khai thác du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn. Phối hợp phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm ở các điểm mua sắm, trung tâm thương mại. Tập trung phát triển khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã, khu phố kinh doanh dịch vụ, đi hộ hồ Ngọc Khánh. Khai thác có hiệu quả công trình Bến hoa Phúc Xá – Ba Đình nhằm kết nối các điểm du lịch: Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục, phố đi bộ kết hợp ẩm thực đêm Đảo Ngọc- Trúc Bạch, phố Kinh doanh dịch vụ Ngọc Khánh - Giảng võ trường. Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch như: Tuyến tàu điện số 6, các sản phẩm ẩm thực phở sáng tạo, trải nghiệm hoạt động Chợ đêm Long Biên nhằm tiếp tục phát huy các sản phẩm Du lịch đặc trưng Ba Đình.
Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với điểm kinh doanh, du lịch. Định kỳ hàng năm tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức giới thiệu tại các Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội quà tặng, Lễ Hội ẩm thực, Thu Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá sản phẩm của quận tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế
PV: Trong giai đoạn tới, quận Ba Đình sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực nào để đảm bảo tăng trưởng bền vững? Có những chỉ tiêu cụ thể nào để đo lường sự phát triển này không?
Đồng chí Tạ Nam Chiến: Trong thời gian tới, để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, quận Ba Đình sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Giữ vững tuyệt đối an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục khẳng định vị thế là quận trung tâm hành chính - chính trị - quốc gia, là địa phương đi đầu về an ninh – chính trị.
Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ du lịch, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới. Ứng dụng các tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, tiến tới xây dựng xã hội số, nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu của Thành phố thông minh.
Tập trung hoàn thành việc cải tạo, tái thiết đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của quận. Triển khai đồng bộ các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; Hoàn thành cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; Xây dựng phương án bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị, tái thiết các khu vực đô thị, gìn giữ cấu trúc làng xã khu vực 13 làng trại tạo bản sắc riêng; Xây dựng các tuyến đường nhận diện kết nối với các di tích để phục vụ khách du lịch, đưa Ba Đình thực sự là điểm đến hấp dẫn về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy giá trị cảnh quan, môi trường sông Hồng đồng thời với xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật...
Phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Ba Đình thanh lịch, văn minh, nghiêm túc, nghĩa tình; chú trọng phát huy, khai thác lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, gắn việc phát triển du lịch với phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu Thành phố của ngành Giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ tới, Quận Ba Đình dự kiến tiếp tục lựa chọn 02 khâu đột phá trong chuyển đổi số và trong việc quản lý, phát triển đô thị, quy hoạch, kiến trúc. Phấn đầu đến năm 2040, Ba Đình là quận đi đầu về các lĩnh vực: an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin chuyển đổi số; quản lý đô thị, duy trì quận Ba Đình “sáng, xanh, sạch, đẹp”, là nơi đáng sống.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!