Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.
Trong đó có sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, so với mọi năm, giá bán nông sản dịp Tết năm nay có thể không tăng cao, thậm chí nhiều mặt hàng, như: Thịt lợn, rau xanh... có xu hướng giảm nhẹ.
Do vậy, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần bám sát tình hình cung - cầu, giá cả thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh cung vượt cầu, giá giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, dịp Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, nên ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng, các doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp những sản phẩm có giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường để phục vụ người tiêu dùng.
Nhìn chung, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn.
Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng vùng miền có tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm nâng cao giá bán cho nông dân vào vụ thu hoạch lớn nhất năm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để ổn định nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết và tránh tình trạng cung vượt cầu, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn, kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.
“Sở cũng sẽ tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lượng lớn, như: Rau, thịt, thủy sản, hoa, quả...; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.