Chiều 12/11, tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của Hà Nội đã thông tin về tình hình nước sạch trên địa bàn TP, trong đó lý giải về giá nước sông Đuống cao gấp đôi sông Đà,
Thông tin về việc Nhà máy nước mặt sông Đuống, ông Võ Tuấn Anh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, vượt tiến độ 1 năm. Quy mô thực hiện dự án trong giai đoạn 1 đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm và đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m3 ngày/đêm, giai đoạn 3 đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000 m3 ngày/đêm.
Ông Võ Tuấn Anh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội
Với tốc độ phát triển đô thị của TP nhanh như hiên nay, để đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân Thủ đô đến năm 2020, khoảng 2 triệu m3 ngày đêm, nên việc đầu tư bổ sung thêm dự án nước sạch là cấp thiết. Dự án này được TP giao cho nhà đầu tư thực hiện ngoài ngân sách.
Sau phần báo cáo của ông Tuấn, báo chí đã gửi hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất? Liệu Hà Nội có “ưu ái” cho nhà máy nước mặt Sông Đuống không khi mua nước của công ty này với giá cao hơn so với mức giá Công ty Sông Đà, cao hơn cả mức bán ra?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết, trong văn bản 3310 của UBND TP. Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.
Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội
Nói về cơ sở để ban hành ra văn bản 3310 này, ông Hà cho biết, theo quy định Điều 31, 38 Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ, có quy định liên quan đến thoả thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được uỷ quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thoả thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.
Việc ký kết thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, chính vì vậy trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa.
Trên cơ sở chấp thuận của thành phố, Sở Xây dựng đã thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống.
Về căn cứ tính toán để đưa ra con số 10.246 đồng/m3, ông Hà cho biết thời điểm 2017 chỉ là giai đoạn chuẩn bị dự án, theo quy định để tính đúng tính đủ toàn bộ chi phí giá nước thì dự án phải hoàn thành đi vào hoạt động và được quyết toán. Việc xác định ra giá 10.246 đồng/m3 chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể sẽ được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán chính thức, khi đó chi phí sẽ được xác định một cách chính thức.
"Mức giá 10.246 đồng là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ" - ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh
Giải thích vì sao giá nước mặt sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà, ông Hà cho biết, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỉ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng.
Ông Hà cho biết thêm, quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau, chất lượng nguồn nước thô đầu vào của hai nhà máy cũng khác nhau, công nghệ khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Ngoài ra là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác nhau dẫn tới có sự lệch giá.
Thông tin về việc đảm bảo an toàn nguồn nước, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, để tăng cường kiểm soát an ninh nguồn nước, TP đã ban hành quy hoạch về cấp nước an toàn, trong đó có quy hoạch, buộc các nhà đầu tư phải kiểm soát về lưu lượng, chất lượng nước. Nhà đầu tư phải cam kết về chất lượng, áp lực nước... đến khách hàng.
Hà Nội yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các tác động gây ảnh hưởng tới nguồn nước cung cấp cho nhà máy. Tiến tới, TP nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành cấp nước, trong đó tích hợp cả về chất lượng nước, quan trắc, lưu lượng, áp lực để chỉ đạo kịp thời.