Tháng Sáu, cái nắng cái nóng oi ả của mùa hè ập đến. Lũ ve không ngớt tiếng râm ran trên những tán cây xanh. Trên đường phố Hà Nội, đôi lúc ta bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ trong tà áo dài thong thả đạp xe, trên giỏ xe là một bó hoa sen thơm ngát, cái nắng nóng mùa hè dường như dịu lại. Hà Nội, dẫu cho đời sống hiện đại đang tràn vào từng con ngõ, vẫn còn đó nét hào hoa phong nhã của vùng đất ngàn năm văn hiến.
Gắn liền với đời sống người Việt
Hoa sen - quốc hoa của Việt Nam, là loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao và bất khuất của con người trước mọi nghịch cảnh. Hoa sen gắn liền với đời sống của nhân dân Việt Nam, đi vào thi ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc… với nhiều sắc thái và ý nghĩa cao đẹp theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đặc trưng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã khiến hoa sen trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết của tâm hồn. Hoa sen tượng trưng cho tâm hồn dân tộc Việt luôn nỗ lực vượt qua bao nguy khó để vươn lên, khẳng định một tâm hồn trong sáng, thủy chung nhưng đầy nghị lực và bất khuất. Hoa sen hội tụ trong mình ý nghĩa triết học - nhân sinh cao quý, mang ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt.
Trong kiến trúc và mỹ thuật truyền thống, ta thấy dấu ấn sâu đậm của sen trong từng họa tiết điêu khắc, trang trí, phù điêu. Tiêu biểu nhất là chùa Một Cột (Hà Nội), tháp Cửu phẩm liên hoa, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)... đều mang dáng dấp của hoa sen.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần, sen trong Đông y còn là một cây thuốc quý, trong ẩm thực là một nguyên liệu tạo nên những món ăn vừa có hương vị đặc sắc, vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe như ngó sen, củ sen làm gỏi, hạt sen nấu chè… hay như đơn giản chỉ là nhụy sen ướp trà, lá sen gói cốm cũng có thể "nâng tầm" hương vị của món ăn, thức uống nhờ hương thơm thuần khiết của sen.
Không có ghi chép nào cho biết sen ở Hồ Tây có từ bao giờ, nhưng Đại Việt sử ký khi nói về ly cung, biệt điện, tư thất ở các làng ven Hồ Tây của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý xây vào đầu thế kỷ 11 đều nhắc tới những vạt sen thơm ngát. Sở dĩ bên những ly cung, biệt điện đều có những đầm sen vì nhà Lý được coi là triều đại quân chủ Phật giáo và sen, hoa sen có giá trị biểu tượng nhiều mặt trong đạo Phật. Đến thời nhà Trần, Hồ Tây với những đầm sen thơm ngát cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho các đại quan trong triều.
Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, về sen Hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng”. Cũng từ giai đoạn đó, vào tháng Sáu, tháng Bảy, dân các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá mua hoa sen từ các đầm quanh vùng, gánh vào chợ Đồng Xuân và các phố bán từng gánh lớn cho các bà hàng phố mua hoa lấy nhụy ướp trà.
Người Hà Nội “yêu” say đắm hoa sen
Hoa sen có ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S này, nhưng không nơi đâu hương sen lại dịu ngọt, tinh tế cho bằng sen Hồ Tây, Hà Nội. Những ngày tháng Sáu này, theo những “gánh hàng hoa”, những đóa sen hồng xuôi ngược trên khắp các nẻo đường Hà Nội. Và Hồ Tây, nơi có những đầm sen thơm ngát, lại trở thành một điểm "check-in" đặc trưng của mùa hè Hà Nội.
Sen Tây Hồ đặc biệt hơn sen những nơi khác bởi sắc hồng thắm, hương nồng nàn lại có ba lớp cánh to nhỏ khác nhau nên còn gọi là sen bách diệp (trăm cánh). Thời điểm lý tưởng nhất để dạo chơi những đầm sen này là buổi sáng tinh mơ hay buổi chiều mát mẻ, lúc hương thơm dịu mát, tinh khiết của sen lan tỏa khắp không gian. Giữa nền lá xanh như ngọc bích, hàng trăm đóa hoa sen hiện ra thật bất ngờ, lung linh như truyện cổ tích. Những đóa sen, dù còn e ấp nụ xanh, chúm chím hàm tiếu, hay bung nở rực rỡ… đều có thể khiến những du khách vãn cảnh cảm thấy thư thái, chìm đắm trong không gian thơ mộng và thanh tịnh đầm sen Hồ Tây.
Hình ảnh lãng mạn của đầm sen kết hợp với mặt nước Hồ Tây sóng sánh dệt nên ký ức khó phai trong mỗi người dân Hà thành và du khách. Họ đến đây không chỉ để chụp ảnh và thưởng ngoạn cảnh đẹp, mà còn để đắm say trong cái phong vị của nắng gió Hồ Tây, nét đẹp tao nhã giữa thủ đô văn hiến. Giữa cái ồn ã của một đô thị đông đúc, một khoảng xanh bao la điểm xuyết những bông hoa tươi thắm khiến Hà Nội như trở nên dịu dàng hơn.
Nhà chị Quỳnh trong con ngõ nhỏ ở phố Thụy Khuê trong những buổi chiều tháng Sáu luôn rộn rã tiếng cười của những người ướp trà cùng hương sen thơm nhẹ nhàng len lỏi khắp căn nhà. Theo chị Quỳnh, gia đình chị làm nghề ướp trà sen từ nhiều đời nay. Ban đầu chỉ dành cho người trong gia đình sử dụng vào những dịp quan trọng, sau này khi thấy nhiều người hỏi thăm, gia đình chị mới làm thêm để chia sẻ món “quà Hà Nội” độc đáo này với những người yêu trà sen.
Chị Quỳnh chia sẻ, để có được những búp trà sen Tây Hồ đặc biệt này, nguyên liệu được lựa chọn rất kỹ lưỡng gồm trà hảo hạng và hoa sen Bách Diệp. Trà là một trong các loại trà nổi tiếng như chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè Shan Tuyết (Hà Giang). Công đoạn ướp trà tương đối cầu kỳ và diễn ra từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 đến đầu tháng 9. Người làm trà sẽ tỉ mỉ tách rời cánh hoa, nhụy hoa và những hạt trắng gọi là “gạo sen” ra khỏi nhụy để đem ướp với trà. Từng lớp trà và gạo sen được xếp xen kẽ nhau, sau cùng phủ lên trên một lớp giấy. Để mẻ trà có hương sen đủ thơm cần trải qua thời gian 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy.
Gần đây, một số người cũng sử dụng phương pháp ướp xổi. Người làm trà sẽ cho khoảng 15-20 gam trà khô vào bên trong những búp sen mới hé nở sáng sớm. Sau đó, bọc lá sen vào bông hoa rồi dùng lạt buộc lại ở cuống hoa và đem cắm vào bình trong một khoảng thời gian ngắn là có thể sử dụng. Khi trà lên đủ hương có thể cho vào bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
Vào những ngày hè oi ả, thưởng thức trà sen bên những bình hoa sen, dù là người Hà Nội hay khách của Hà Nội cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cũng như tình yêu của người Hà Nội dành cho những nét thanh tao trong văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến.