Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội vào chiều nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất cho dừng hoạt động phố đi bộ Hồ Gươm từ cuối tuần này (5/2).
Chiều 3/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, địa phương đã tổ chức đoàn xe tuyên truyền ở phố đi bộ, chợ hoa để nâng mức cảnh giác cao độ cho người dân trong công tác phòng dịch.
Bên cạnh đó, Quận cũng đã in ấn các tờ rơi, pano để tuyên truyền cho người dân liên quan đến xử phạt người dân không đeo khẩu trang. Với mức xử phạt này, mức răn đe đã cao hơn. Từ chiều 2/2 đến nay đã xử phạt 29 trường hợp với số tiền phạt là 53 triệu đồng.
Quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, chiều nay, Quận nhận được thông tin từ CDC Hà Nội có một trường hợp tiếp viên hàng không liên quan đến chuyến bay QH 242 ngày 29/1 từ Hà Nội – Sài Gòn có liên quan đến bệnh nhân 1883.
Trung tâm Y tế quận đã lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra dịch tễ với các trường hợp có liên quan. Quận đã điều tra 4 trường hợp F2 có liên quan đến tiếp viên hàng không, đã giao cho các phường tiếp tục rà soát.
Theo vị lãnh đạo này, đối với hoạt động phố đi bộ, hàng năm khi đến tuần cuối cùng, sát Tết Nguyên đán thì sẽ dừng hoạt động của phố đi bộ. Tuy nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nên quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất thành phố chính thức cho dừng hoạt động phố đi bộ từ tuần này (5/2). Phố đi bộ sẽ được hoạt động trở lại đến khi có thông báo chính thức của thành phố.
Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị, nếu vào đêm giao thừa bắn pháo hoa ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, đơn vị cũng đề xuất cho tổ chức khoanh vùng, cấm toàn bộ không gian để kiểm soát tốt nhất. Quận Hoàn Kiếm đề xuất sớm có thông tin, ý kiến chỉ đạo để địa phương chủ động cho việc phòng dịch.
Cũng tham gia báo cáo tại phiên họp, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 1/2 đến 14h ngày 3/2, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới ngoài cộng đồng. Như vậy, trong đợt dịch mới này, Hà Nội đã có 21 trường hợp mắc virus SARS-Cov-2.
Đến nay, trên địa bàn toàn thành phố đã xác định được 757 trường hợp F1 của 21 bệnh nhân, kết quả có 17 mẫu dương tính, 711 mẫu âm tính, còn 29 đang xét nghiệm chờ lấy kết quả.
Theo ông Hạnh, hiện đã có tình trạng, có nơi người dân hoang mang, lo lắng tại một số địa bàn trên thủ đô. Do vậy, các đơn vị chức năng cần phối hợp với quận, huyện tuyên truyền cho người dân hiểu, bình tĩnh xử lý và xác định các trường hợp liên quan đến ca bệnh.
Hà Nội đề nghị các quận huyện tiếp tục lấy mẫu các trường hợp F2 còn lại, còn F3 phải lên danh sách, nếu có chuyển biến thì phải lấy mẫu và xử lý ngay.