Hà Nội: Công ty Thiên Lộc và các chiêu trò dụ người dân huy động tài chính kiểu đa cấp

Trường Hoàng Giang| 02/03/2016 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tung chiêu đồng hưởng 2% doanh số toàn quốc là một trong các chiêu trò “giăng bẫy” dẫn dụ người dân tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần nhượng quyền Thiên Lộc có chi nhánh tại số 25, đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã xuất hiện rất nhiều kiểu huy động tài chính trái phép núp bóng hoạt động kinh doanh đa cấp. 

Huy động tài chính kiểu đa cấp là một hình thức lừa đảo kết hợp giữa sơ đồ Ponzi và sức mạnh của mô hình đa cấp đã được Công ty Thiên Lộc áp dụng bằng các chiêu  dụ dỗ người dân một cách hết sức tinh vi.

Theo điều tra của nhóm PV, Công ty Thiên Lộc ngay từ khi thành lập đã đưa ra một loạt các chính sách để dụ dỗ người dân tham gia đóng tiền trong đó có chiêu quảng cáo “được đồng hưởng 2% doanh số PV toàn quốc” đến khi nào thu hồi đủ vốn tích lũy thì thôi“. Đây cũng chính là một “chiêu giăng bẫy” hết sức tinh vi mà những người nhẹ dạ cả tin rất dễ mắc phải.

Cụ thể, muốn trở thành một nhà phân phối hay đầu tư tại Công ty Thiên Lộc thì người tham gia phải mua một sản phẩm có giá là 9,6 triệu đồng. Ví dụ, tháng thứ nhất công ty Thiên Lộc có 10,000 người tham gia mỗi người bán được một sản phẩm có giá là 9,6 triệu đồng thì Công ty Thiên Lộc sẽ phải trích lại số tiền trả cho người tham gia như sau: 10,000 * 9,600,000 *2% = 1,920,000,000 (Một tỷ chín trăm hai mươi triệu) số tiền này được dùng để  để chia lại cho 10,000 người.

Như vậy, mỗi người trong tháng đầu nhận được 192,000 đồng (Một trăm chín mươi hai nghìn đồng). Tháng thứ 2, Công ty Thiên Lộc cũng bán được lượng hàng hóa như vậy, tức là doanh thu không thay đổi và số tiền tiền trích lại trả cho người bán hàng vẫn giữ nguyên là 1,920,000,000 (Một tỷ chín trăm hai mươi nghìn đồng).

Hà Nội: Công ty Thiên Lộc và các chiêu trò dụ người dân huy động tài chính kiểu đa cấp

Phiếu đặt hàng của Công ty Thiên Lộc

Tuy nhiên, số tiền này phải chia đều cho số người tham gia của tháng thứ nhất cộng với tháng thứ 2 tức là phải chia cho 20,000 người, cụ thể mỗi người chỉ còn được nhận số tiền là: 1,920,000,000/20,000 = 96,000 đồng (Chín mươi sáu nghìn đồng).

Giả sử, doanh số của Công ty Thiên Lộc luôn giữ được mức độ ổn định tháng nào cũng bán được 10,000 sản phẩm và số tiền trích lại để trả cho người tham gia luôn là 1,920,000,000 (Một tỷ chín trăm hai mươi nghìn đồng). Vậy sự thật mỗi tháng người tham gia sẽ nhận được bao nhiêu tiền, và trong bao lâu được hoàn vốn? Đó là các câu hỏi mà dư luận đang quan tâm.

Đặc biệt, có nhiều người tham gia không không biết được là số tiền được nhận tháng sau luôn giảm một nửa với tháng trước. Bởi, số tiền trích lại 2% hàng tháng không thay đổi vẫn giữ nguyên 1,920,000,000 (Một tỷ chín trăm hai mươi nghìn đồng) nhưng lại phải chia cho nhiều phần, nhiều người theo cấp số cộng.

Tháng 1 :10,000 * 9,600,000 * 2% = 192,000

Tháng 2 : 10,000 * 9,600,000 * 2%/20,000 (tháng 1 + tháng 2) = 96,000

Tháng 3 :10,000 * 9,600,000 * 2%/30,000 (tháng 1 + tháng 2 + tháng 3) = 48,000

Theo cách tính trên thì đến tháng thứ 12 số tiền được chia chỉ còn lại là:

Tháng 12: 10,000 * 9,600,000 * 2% /120,000 = 93,75 đồng (chín mươi ba đồng).

Hà Nội: Công ty Thiên Lộc và các chiêu trò dụ người dân huy động tài chính kiểu đa cấp

Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

Nếu người dân tham gia gói 9,6 triệu đồng mà được Công ty Thiên Lộc trích  2% doanh số toàn quốc, tưởng là có thu nhập cao nhưng thực chất người tham gia chỉ nhận được tổng số tiền là: 383,906 nghìn đồng trong 12 tháng, với điều kiện doanh số luôn ổn định. Còn nếu doanh số càng tăng thì số tiền được chia càng nhỏ đi và như vậy không biết đến bao giờ người tham gia mới nhận được đủ tiền đầu tư? Trong trường hợp doanh số giảm thì nguy cơ rủi ro lại càng cao.

Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác khi tham gia vào các gói đầu tư do Công ty Thiên Lộc quảng cáo để tránh tiền mất tật mang.

Thực tế hoạt động kinh doanh của Thiên Lộc như thế nào? Dấu hiệu thu hút đầu tư tài chính trái phép núp bóng kinh doanh đa cấp có vi phạm pháp luật? Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Công ty Thiên Lộc và các chiêu trò dụ người dân huy động tài chính kiểu đa cấp