Chiều 19/4, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thông tin về kết quả hiệp thương lần thứ ba. Đồng thời trả lời một số câu hỏi của báo chí, trong đó có thông tin về kết quả bầu cử của ông Trần Đăng Tuấn.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội trả lời báo chí
Tại buổi họp báo, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo của các cấp ủy, triển khai tốt Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; triển khai kế hoạch đúng luật. Ngày 15/4 vừa qua, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về tiêu chuẩn đại biểu, số lượng người ứng cử, thành phần cơ cấu, tín nhiệm của cử tri trong tổng số 87 người đã được thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng của ĐBQH tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai.
Hội nghị đã biểu quyết đưa ra ngoài danh sách 15 người đã có đơn xin rút và 29 người có tín nhiệm không đạt yêu cầu. Như vậy, số người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV còn lại 43 người trong danh sách.
Sau đó hội nghị đã nhất trí danh sách 38 người có tín nhiệm cao tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trong đó, trình độ giáo sư, tiến sỹ đạt 42,10%; thạc sỹ 28,95%; đại học tỉ lệ 28,95%. Trong đó cơ cấu nữ đạt tỉ lệ 39,47%; dân tộc thiểu số đạt 5,26%; người trẻ dưới 40 tuổi đạt 7,78%; người ngoài Đảng đạt 7,89%; người tái cử 13,16%.
Cụ thể, 34 người đạt tỷ lệ 100%, 4 người đạt từ 96 – 98,8%, 5 người tín nhiệm thấp dưới 50%.
Theo số liệu được công bố tại buổi họp báo, ông Trần Đăng Tuấn chỉ được 13/83 đại biểu ủng hộ vào danh sách ứng cử ĐBQH, đạt tỷ lệ 15,66%. Các ứng viên còn lại bị loại là ông Nguyễn Quang Huân (0%); Nguyễn Đình Nam (0%); Tạ Hồng Phúc (0%); bà Nguyễn Thị Diễm Hằng (2/83 người, đạt 2,41%).
Trước đó, ông Trần Đăng Tuấn khi lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đều đạt 100% ủng hộ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do ông Trần Đăng Tuấn không qua được vòng hiệp thương lần 3, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, theo quy định của pháp luật, dù là trường hợp tự ứng cử, hay được cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử đều bình đẳng.
“Việc lấy ý kiến tín nhiệm cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú là theo quy trình. Nếu qua cái đó thì mới đủ tiêu chuẩn vào hiệp thương vòng 3. Ở hội nghị này, việc đánh giá, tín nhiệm thế nào thì do các đại biểu dự hội nghị hiệp thương lần 3 quyết định. Cái này đều thực hiện theo đúng pháp luật”, ông Bùi Anh Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, trả lời một số câu hỏi của báo giới, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, Hà Nội được Trung ương phân bổ bầu 30 vị đại biểu Quốc hội, trong đó có 13 người do Trung ương giới thiệu về bầu tại Hà Nội và 17 người do thành phố giới thiệu. Mỗi đơn vị bầu cử tại Hà Nội phải đảm bảo số dư tối thiểu là 2. Như vậy, với 10 đơn vị bầu cử, Hà Nội sẽ có 50 ứng viên để lựa chọn bầu 30 đại biểu.
Sau hiệp thương lần thứ ba, Hà Nội đã chọn được 38 ứng cử viên, cộng thêm 13 ứng viên do Trung ương giới thiệu, tức là nhiều hơn 1 ứng cử viên so với tổng số ứng viên sẽ đưa ra bầu.
“Theo quy định của luật, để đảm bảo số ứng viên để bầu, sẽ bố trí trường hợp như vậy để dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, rủi ro có thể xảy ra như có ứng cử viên nào đó đột nhiên không đảm bảo sức khỏe chẳng hạn” - ông Bùi Anh Tuấn lý giải về trường hợp dự phòng.
Cũng theo ông Bùi Anh Tuấn, sau ngày 27/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi danh sách chính thức những vị ứng cử Đại biểu Quốc hội về bầu tại Hà Nội. Cùng với 38 vị của Hà Nội, Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội sẽ lập danh sách để trên cơ sở đó phân chia khu vực bỏ phiếu theo nguyên tắc mọi người cùng bình đẳng, đúng quy định của pháp luật.
Ông Bùi Anh Tuấn cũng cho biết, trong tuần sau, sẽ có hướng dẫn từ Uỷ ban MTTQ TP cho đến hệ thống MTTQ cơ sở về vận động bầu cử và ứng cử viên tiếp xúc với cử tri.