UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Cấm xe máy để giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường
Hà Nội chính thức cấm xe máy đi vào nội đô từ 2030
Mục tiêu của đề án là tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%. Đồng thời, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm. Riêng diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.
Theo đó, hàng loạt giải pháp sẽ được áp dụng đồng bộ như: quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; chất lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý…
Đề án chia làm 3 giai đoạn với từng lộ trình cụ thể:
Giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Các chuyên gia đồng thuận
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã đề xuất Nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông (trong đó đề cập đến hạn chế phương tiện cá nhân) và được HĐND thành phố thông qua.
Nói về việc dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng là một ý tưởng tốt, đúng đắn và hợp lý, thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc phát triển đô thị.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, việc cấm xe máy trong nội đô là một việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả đòi hỏi các các cơ quan quản lý cần xây dựng lộ trình một cách hợp lý, trong đó chú trọng đến việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, rà soát lại toàn bộ các tuyến đường chuẩn bị cho các phương tiện công cộng hoạt động để cuộc sống của người dân không bị xáo trộn.
Đồng tình với việc làm trên, TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Cần phải làm quyết liệt để người dân thay đổi tư duy và nếp nghĩ. Một đất nước muốn phát triển lên một tầm cao mới thì người dân phải ý thức và ủng hộ những đề án xây dựng và đúng với định hướng các đô thị phát triển trên thế giới. Phải kiên quyết giải quyết các vấn đề lộn xộn trong giao thông nội đô bằng chủ trương triệt để, cấm xe tự chế, xe thương binh bằng giải pháp có tình, có lý và kiên quyết nghiêm cấm toàn bộ xe máy lưu hành ở nội thành bắt đầu từ phố cổ. Song song với đó là tổ chức xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, taxi với các chính sách về vốn và thuế hấp dẫn, tạo điều kiện đi lại tốt nhất cho người dân”.