Mặc dù mỗi năm, Tp. Hà Nội dành ra một khoản kinh phí không nhỏ cho công tác duy trì vệ sinh môi trường (VSMT, song nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô vẫn trong tình trạng bụi bẩn, nhếch nhác.
Dường như việc duy trì hoạt động VSMT vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả cao?
Nhếch nhác đường cửa ngõ
Đường Phạm Văn Đồng là tuyến đường cửa ngõ Thủ đô nối với sân bay quốc tế Nội Bài. Đáng lẽ, con đường từ sân bay vào thành phố này phải là con đường đẹp nhất để “ghi điểm” với du khách. Thế nhưng từ nhiều năm qua, cung đường này lại như một “cơn ác mộng” đối với người dân từ các tỉnh lân cận và du khách quốc tế mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.
Những người dân sống quanh khu vực cũng đều lắc đầu ngán ngẩm mỗi khi đi qua đoạn đường bụi, bẩn này. Chị Đặng Thị Ngà, sống gần khu vực siêu thị Metro cho hay: “Đường chật chội và bụi bẩn. Ngày nắng, hanh hao thì gió bụi, ai nấy bịt khẩu trang, đeo kính kín mít. Ngày mưa, nhiều đoạn đường khá nhầy nhụa. Nhiều khi tôi muốn ra ngoài cũng ngại, cần kíp lắm mới dám đi”.
Rác thải, đất đá không được thu gom thường xuyên tại Đại lộ Thăng Long.
Một số tuyến đường cửa ngõ Thủ đô khác cũng trong tình trạng bụi và bẩn tương tự. Khảo sát của PV vào khoảng 10h30 ngày 14-9 cho thấy, tại một số đoạn đường Giải Phóng, đại lộ Thăng Long, đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ… vẫn vương vãi rất nhiều rác, đất đá nhỏ, bụi đóng từng lớp khá dày ở chân các dải phân cách, cột biển báo… Trong khi đó, theo quy định, chất lượng duy trì VSMT phải đảm bảo các trục đường chính, tuyến phố trọng điểm không phát sinh rác sinh hoạt, phế thải xây dựng từ 7-17h hàng ngày. Gốc cây, cột điện, chân cột biển báo sạch không có rác sinh hoạt, chất thải xây dựng, không có cỏ dại. Dọc thành vỉa, lòng vỉa sạch, không có đất, rác, rêu bám, cát, bùn tồn đọng. Đường hè phố sau mưa phải được cọ rửa, dọn sạch bùn đất rác trên các đoạn ngập úng ngay sau khi nước rút. Mặt đường, thành vỉa, dải phân cách sau khi quét hút bụi phải sạch; không còn đất bụi, rác vụn rơi vãi trên đường. Lòng đường sau khi được tưới rửa bằng xe cơ giới đảm bảo sạch sẽ, không còn bụi, rác; lòng vỉa thông thoáng, thoát nước tốt… Tuy nhiên, nếu chiểu theo những quy định này thì khó có đoạn đường cửa ngõ nào của Thủ đô đảm bảo đúng yêu cầu.
Anh Nguyễn Văn Tiến, sống tại khu vực Triều Khúc (quận Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thường xuyên đi làm qua đoạn đường Nguyễn Trãi, bụi bẩn rất nhiều mà xe rửa đường vẫn cứ chạy càng khiến mặt đường nhớp nháp. Trời tạnh ráo, đi xe máy mà nước bẩn bắn lên cả quần áo, trông rất thảm…”.
Hàng trăm tỉ đồng làm sạch đường mỗi năm
Năm 2010, rất nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô đã được làm sạch, làm mới để đón chào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên sau đó không lâu, dường như nhiều tuyến đường lại trở về với bộ mặt ban đầu trong khi ngân sách thành phố hàng năm vẫn chi đều đặn cho công tác duy trì VSMT.
Nhếch nhác dọc tuyến Pháp Vân - đê Hữu Hồng.
Theo tìm hiểu của PV, kinh phí dành cho công tác này tốn kém một khoản tiền không nhỏ, năm sau thường cao hơn năm trước. Có rất nhiều lý do mà đơn vị thực hiện đưa ra cho sự gia tăng kinh phí này. Ngoài lý do nhiều đoạn đường mới đi vào hoạt động cần làm sạch, chẳng hạn như: cải tạo thay thế thiết bị vật tư, tăng tần suất quét hút bụi, rửa đường tại các tuyến trọng điểm phục vụ các ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị theo yêu cầu của thành phố và Sở Xây dựng…
Điển hình, năm 2012, chỉ tính riêng kinh phí UBND thành phố đặt hàng cho Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long là gần 76 tỉ đồng. Đến năm 2013, dự kiến kinh phí đặt hàng đã lên đến hơn 106 tỉ đồng. Vì vậy, nếu tính tổng khối lượng của tất các các đơn vị mà Sở Xây dựng quản lý thực hiện trên địa bàn thành phố thì số tiền chi ra lên đến mấy trăm tỉ đồng mỗi năm cho việc làm sạch đường phố Thủ đô.
Bụi, bẩn là phần lớn nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra là tại sao ngân sách thành phố chi cho duy trì VSMT vẫn đều đặn hàng năm, thậm chí năm sau cao hơn năm trước nhưng nhiều tuyến đường Hà Nội vẫn nhếch nhác? Việc duy trì VSMT hiện nay đã thực sự hiệu quả khi mà mới hồi tháng 3 vừa qua, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á và là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á(!?).
(Còn nữa)
Anh Thư