Hà Nội: Cần xử lý nghiêm người chống đối, thách thức công an tại bar 80 Mã Mây

Minh Khang| 22/08/2022 09:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm những người chống đối, thách thức công an tại quán bar 80 Mã Mây, kiên quyết không nhân nhượng bất cứ trường hợp nào, xử lý vi phạm không có "vùng cấm".

Chống đối, thách thức lực lượng chức năng

Trong 3 ngày từ 12-14/8, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ hơn 10 bình khí cười và lập biên bản, xử lý 9 cơ sở vi phạm.

Tiếp đó, rạng sáng 15/8, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm bất ngờ kiểm tra quán bar có địa chỉ tại số 80 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, phát hiện khách trong quán đang sử dụng “bóng cười”. Tại đây, lực lượng chức năng cũng bắt quả tang nhân viên của quán đang bơm “bóng cười” cho khách và thu giữ một bình khí cỡ lớn loại 50 - 55kg.

1(2).jpg
Thời điểm kiểm tra quán bar 80 Mã Mây khách trong quán đang vô tư sử dụng “bóng cười”

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều vỏ bóng trong các hốc tường. Sau khi thu giữ các tang vật có liên quan, tổ công tác yêu cầu chủ quán tắt nhạc, xuất trình các giấy tờ có liên quan. Thời điểm này (khoảng 0h20 ngày 15/8), quán có khá đông khách và đều được yêu cầu thanh toán rồi rời khỏi quán bar.

Tuy nhiên, trong quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, một phụ nữ tên D. đã lao vào chửi bới, ngang nhiên chống đối, thách thức lực lượng Công an.

Theo người phụ nữ này, quán bar vi phạm thì bị xử lý chứ không phải tạm dừng hoạt động vì theo quy định các ngày cuối tuần quán bar được mở đến 2h sáng và yêu cầu nhân viên tiếp tục mở nhạc ầm ĩ.

Không nghe các chiến sĩ công an giải thích về quy định, người này tiếp tục "khoe" bằng tài chính, bằng luật sư và cho rằng bản thân rất hiểu biết về pháp luật. Mặt khác, người phụ nữ lớn tuổi trên tiếp tục quát con cái và nhân viên, yêu cầu bật nhạc ầm ĩ dù đã quá giờ quy định.

Song, khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh đến 2h sáng, quản lý của quán không xuất trình được giấy phép.

Khi lực lượng Công an yêu cầu dừng ngay hoạt động của quán vào thời điểm này, người phụ nữ kia tiếp tục thách thức bằng cách vào trong quán mời khách nâng ly, bất chấp tổ công tác đang làm nhiệm vụ.

Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với trường hợp này, đồng thời sẽ rà soát lại toàn bộ các giấy tờ đăng ký kinh doanh và phải đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Công an quận Hoàn Kiếm kiên quyết không nhân nhượng bất cứ trường hợp nào, xử lý vi phạm không có "vùng cấm".

Người phụ nữ tên D. chống đối lực lượng lượng chức năng ở quán bar sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với Báo Công lý, Luật sư Nguyễn Anh Dũng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Pháp luật Việt Nam khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động kinh doanh để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân và đóng góp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động kinh doanh trái phép, vi phạm điều kiện kinh doanh, gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh nhạy cảm như quán karaoke, vũ trường... Mà có vi phạm thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh, kịp thời để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về trường hợp bar 80 Mã Mây, Luật sư Dũng cho biết, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì trong quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, một phụ nữ tên D. đã lao vào chửi bới, ngang nhiên chống đối, thách thức lực lượng Công an. Người phụ nữ này cho rằng, quán bar vi phạm thì bị xử lý chứ không phải tạm dừng hoạt động vì theo quy định các ngày cuối tuần quán bar được mở đến 2h sáng và tiếp tục để nhân viên mở nhạc ầm ĩ. Không nghe các chiến sĩ công an giải thích về quy định, người này tiếp tục "khoe" bằng tài chính, bằng luật sư và cho rằng bản thân rất hiểu biết về pháp luật.

2.jpg
Bình "khí cười" cơ quan Công an phát hiện trong quán bar 80 Mã Mây

Về vấn đề này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ điều kiện kinh doanh của cơ sở này. Theo quy định của pháp luật thì hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường là các hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Phải hoạt động theo đúng giấy phép và theo giờ quy định. Trường hợp hoạt động quá giờ, không có giấy phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến an ninh trật tự thì tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tổ chức cá nhân vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng theo LS Dũng, ở điều đặc biệt trong vụ việc này là khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đã có hành vi chống đối, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng. Cơ quan chức năng sẽ ghi hình, ghi âm, có người làm chứng để chứng kiến sự việc không chấp hành đấy để đánh giá hành vi này đã được xác định là chống người thi hành công vụ hay chưa, đánh giá hậu quả của hành vi này đã gây ra đối với xã hội và với người thi hành công vụ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng có quyền kiểm tra hành chính, có quyền xử lý các vi phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nếu việc xử lý không đúng pháp luật thì tổ chức cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật nhưng trong quá trình lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, thực hiện các thủ tục hành chính thì các chủ thể này vẫn phải chấp hành. Trường hợp cơ quan chức năng có hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính không đúng pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định này, nếu có thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Ngược lại, hành vi không chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh của cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người chống đối, cản trở lực lượng thi hành công vụ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng cần làm rõ hoạt động của cơ sở kinh doanh này tuân thủ quy định pháp luật hay không, hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng đã gây ra hậu quả như thế nào để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật trên tinh thần ai sai phạm người đó phải bị xử lý, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Theo điều 330, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cần xử lý nghiêm người chống đối, thách thức công an tại bar 80 Mã Mây