Việc điều chỉnh giờ làm, giờ đi học được Bộ GTVT đề xuất để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang làm người dân, nhất là các bậc phụ huynh băn khoăn. Liệu đây có thật là cách giải cứu cảnh ùn tắc đang ngày càng trầm trọng mà nhiều nỗ lực đã được đưa ra nhưng không đạt kết quả?
Cảnh tắc đường thường thấy ở Hà Nội (Ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 2-10, Bộ GTVT đã có đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học gửi Hà Nội nghiên cứu. Nếu UBND Tp. Hà Nội nhất trí với các phương án điều chỉnh giờ đi làm, giờ đi học của Bộ GTVT, dự thảo này sẽ được trình Thủ tướng và áp dụng ngay lập tức.
Theo đó, giờ đi làm, đi học của người Hà Nội sẽ thay đổi hoàn toàn so với thời gian biểu cũ. Cụ thể, công chức cơ quan Trung ương đi làm từ 9h - 12h và 13h -18h, công chức Hà Nội từ 8h30 - 12h và 13h - 17h30, trung tâm thương mại, kinh doanh hoạt động từ 9h30 - 23h. Học sinh bậc mầm non, tiểu học và THCS học từ 8h - 17h30 (bán trú), THPT từ 7h - 11h và 12h30 - 16h30, các trường CĐ, ĐH sẽ có khung giờ khác nhau từng địa bàn.
Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân. Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn cho rằng nên điều chỉnh từng bước thay vì điều chỉnh toàn bộ, thí điểm trước khi áp dụng đại trà.
Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND Tp. Hà Nội, cho rằng nếu thực hiện đề án ngay thì hơi vội vàng. Phương án điều chỉnh giờ làm việc của cán bộ viên chức và giờ học tập tại Hà Nội từng được bàn đến song khó thực hiện do ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người. Mặc dù giải pháp này có tính tích cực song nếu làm ngay sẽ không đủ cơ sở mà cần có thời gian khảo sát thêm.
TP HCM đã điều chỉnh giờ học nhưng đường vẫn tắc. Ảnh: HC
GS.TS Nguyễn Ngọc Đào, Hội nghiên cứu GTVT Đông Á nhận xét, những đề xuất lệch giờ làm và giờ đi học là những giải pháp cần làm, tuy nhiên đó cũng không hẳn là một “điểm nút” để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay.
Theo ông Đào, tắc đường tại Hà Nội là do người dân đi lại không chấp hành luật pháp, ngoài ra hạ tầng chưa đáp ứng là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông cần phải xử lý càng nhanh càng tốt.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị thì việc thay đổi giờ làm, giờ học là cần thiết để các giờ lệch nhau giảm căng thẳng giao thông vào giờ cao điểm, nhưng các giờ phải cách nhau 1 tiếng. Đề xuất giờ làm, giờ học của Bộ GTVT gửi Hà Nội nghiên cứu chỉ cách nhau nửa tiếng là khó khả thi, không tạo ra ranh giới rõ ràng, vẫn gây ùn tắc.
Cũng theo TS. Thủy đánh giá, các khu giờ đi làm và tan tầm chỉ cách nhau khoảng 30 phút, trong khi thói quen của người Việt ta lâu nay đi làm muộn về sớm là rất phổ biến, dẫn đến việc thay đổi giờ như vậy không còn hiệu quả nữa.
Để có thể vừa mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, vừa không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề xuất, trước mắt nên thay đổi giờ học của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trước, đối tượng này rất đông, lại đa phần đến từ các tỉnh khác. Nếu thay đổi được thì sẽ có tác dụng rất tốt cải thiện giao thông, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân Hà Nội.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cũng bày tỏ băn khoăn khi nói tới tính hiệu quả của đề xuất này. Theo ông Thống, những gia đình có con đi học trái tuyến, trái quận mới phải thường xuyên đi lại trên các trục chính, còn đa số học sinh thuộc các quận nội thành theo học đúng tuyến thì không phải là nhân tố chính gây tắc đường.
Mặt khác, tình trạng ùn tắc không chỉ xuất hiện vào giờ đi học mà đôi khi còn diễn ra ở nhiều thời điểm trong ngày. Thậm chí vào các dịp học sinh được nghỉ học, nhiều đường phố Hà Nội, nhất là các điểm nóng về giao thông, vẫn xảy ra ùn tắc.
Đồng tình với ý kiến trên, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh (Cầu Giấy) cho rằng việc thay đổi giờ học không có gì lớn lắm. Ông cũng bày tỏ băn khoăn, việc thay đổi giờ làm có thể không thay đổi được nhiều tình trạng giao thông hiện nay. Nếu quan sát vào ngày nghỉ vẫn thấy giao thông diễn ra như bình thường, vậy những người tham gia giao thông không phải chỉ dân công sở, sinh viên mà là rất nhiều lao động tự do.
Qua khảo sát ý kiến của các phụ huynh, chủ yếu là ở các bậc học tiểu học, THCS, nhiều ý kiến đề xuất, để giải quyết sự “lệch pha” trong giờ giấc hàng ngày như thế này, các trường nên xem xét tổ chức xe đưa rước học sinh...
Nhiều lãnh đạo cơ quan, trường học đồng tình với đề án của Bộ GTVT, cho rằng đây là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giờ làm việc là cần thiết, nhưng mọi chính sách trước khi đưa vào thực tế cần nghiên cứu cẩn thận, thận trọng, khoa học, trước khi thực hiện rộng rãi, cần cho thí điểm để rút kinh nghiệm.
Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, trường ĐH GTVT Hà Nội, vấn đề này cần nghiên cứu thêm, khi nào có kết quả nghiên cứu, chạy mô hình thì lúc đó mới có thể nói đến vấn đề khả thi hay không khả thi.
Phương Linh