Hà Nội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

02/10/2012 21:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ Tp. Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ X bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, 9 tháng đầu năm 2012, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã phản ánh sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của toàn thành phố trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Ngoài việc vận dụng tốt chủ trương, chính sách của Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để ổn định kinh tế, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, lãnh đạo thành phố và một số sở, ngành, quận, huyện đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã; quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất…

Hà Nội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư xã hội đạt thấp so với kế hoạch, vốn đầu tư nước ngoài và đăng ký kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2011. Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong 9 tháng đầu năm giảm đáng kể so với cùng kỳ, số đăng ký thành lập mới là 11.481 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 64.058 tỷ đồng bằng 54% so với năm 2011; có 730 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 1.900 doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh...

Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong những tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung vào 16 giải pháp trọng tâm, trong đó sẽ duy trì thường xuyên việc tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và duy trì tăng trưởng. Mặt khác triển khai có hiệu quả Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2012, tập trung phát triển mạng lưới bán hàng ở khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng xa trung tâm thành phố. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục triển khai chương trình hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giữa thành phố với 7 tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2012 - 2015…

Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đồng tình cao với 16 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề xuất nên chia ra các nhóm doanh nghiệp như xây dựng, dịch vụ, cung ứng vật liệu… để có sự hỗ trợ cụ thể, hiệu quả hơn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty thương mại Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, đối với giải pháp kích thích tiêu dùng thông qua việc đưa hàng về vùng sâu vùng xa, phải quan tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các dự án liên quan đến vốn ngân sách...

Ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, những tháng cuối năm tình hình Thủ đô cũng như cả nước sẽ còn tiếp tục có những khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ Thủ đô phải nỗ lực, sáng tạo không ngừng để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2012. Ông Phạm Quang Nghị đề nghị các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể thành phố tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng năm 2012, gắn với triển khai tốt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”. Trọng tâm là tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng đi đôi với bảo đảm ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân ở những khu vực khó khăn, xa trung tâm thành phố.

Đồng thời, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đối với doanh nghiệp, đặc biệt là thực hiện tốt 16 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, từng ngành, từng lĩnh vực cần căn cứ tình hình cụ thể và đặc thù riêng để có cách làm linh hoạt, sáng tạo. Không nên thực hiện các giải pháp một cách dàn trải, cứng nhắc, mà cần phải xác định được điểm nút và khâu trọng yếu ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, cần đẩy nhanh việc hoàn thành và triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực được HĐND thành phố thông qua. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các công trình, dự án trọng điểm của thành phố đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, phát triển giáo dục - đào tạo, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới,... Tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng; thực hiện các biện pháp đồng bộ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên là giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống; giảm thiểu các tệ nạn xã hội; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh, âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo gây mất an ninh, trật tự; thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, không để xảy ra các điểm nóng, khiếu kiện đông người.

 Bảo Nam (tổng hợp)
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp