Thời gian gần đây, đoạn sông Cao Dương thuộc địa phận xã La Sơn, huyện Bình Lục (Hà Nam) đang dần trở thành dòng sông chết bởi rác thải bủa vây và bèo tây phủ kín.
Nếu như trước, dòng sông này xanh mát bao nhiêu thì giờ trở nên đen kịt bấy nhiêu, có nhiều đoạn sông chỉ còn là những vũng bùn, trong khi đó, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, người dân bức xúc.
Khi cửa kênh được mở ra, toàn bộ lượng rác thải này sẽ đổ dồn về sông Cao Dương
Theo tìm hiểu của phóng viên, đoạn sông Cao Dương có chiều dài chừng 2 km, chính là dòng chảy nối liền 2 con sông là sông Sắt (Bình Lục) và sông Biên Hoà (giáp ranh giữa huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục). Tuy chỉ dài 2 km nhưng được nối với 2 con sông lớn nên dòng sông Cao Dương có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho cánh đồng của thôn Thượng Thụ.
Theo nhiều người dân phản ánh, trước đây dòng sông này có nguồn nước rất xanh, mát, là nơi người dân thường xuyên tắm giặt, rửa thực phẩm... Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, dòng sông này đã trở thành nơi xả rác của các xã ở phía thượng nguồn sông Sắt như An Đổ, Mỹ Thọ... Do vậy, rác thải cứ tuồn tuột trôi về, kèm theo đó là bèo tây phủ kín mặt sông quanh năm. Đáng lo ngại hơn, tại đây thường thấy xuất hiện những bao tải đựng xác gia cầm, xác lợn, chó được người dân phía thượng nguồn sông Sắt thải xuống.
Rác thải lấp kín một đoạn sông
Ông Nguyễn Văn Duy, một người dân tại đây cho biết, nhiều lần chúng tôi đã phản ánh ý kiến về tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng lên các cấp chính quyền và các ngành hữu quan, nhưng các ý kiến chỉ như muối bỏ bể, chẳng thấy các cấp, các ngành có động thái tích cực nào. Ông Duy còn nói, hiếm hoi lắm nhà tôi mới dám mở cửa vì cứ mở cửa ra là mùi hôi thối lại xộc thẳng vào nhà, nhiều lúc đang ăn cơm còn phải bỏ bữa đứng dậy vì không thể chịu nổi.
Như muốn chỉ cho chúng tôi thấy rõ hơn về mức độ trầm trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Duy cùng nhiều người dân khác lấy một chiếc sào dài chọc vào một bao tải nằm sát bờ, bỗng ruồi nhặng bay tứ tung, bao tải rách bật ra một chiếc đùi lợn đang trong quá trình phân huỷ, bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu. Chị Nguyễn Thị Hải đứng gần đó cho biết, chọc cái bao này ra rồi thì chúng tôi còn phải ngửi mùi này tận mấy hôm nữa.
Người dân bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường
Tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường này, chúng tôi được biết tất cả các rác thải, bao tải đựng xác gia súc, gia cầm trên dòng sông đều theo nguồn nước kênh tưới dẫn nước từ sông Sắt đổ về. Kênh tưới có chức năng chủ yếu tưới tiêu cho 21 mẫu ruộng của thôn Thượng Thụ. Thường thì cứ vài ngày một lần, cán bộ thuỷ nông lại đến mở cửa cống để đón dòng nước từ sông Sắt đổ về, kèm theo đó là rác thải, bao tải... Lẽ thường, các cấp và các ngành hữu quan phải trục vớt rác và bao tải đựng xác gia xúc, gia cầm để chôn lấp theo đúng tiêu chuẩn, nhưng người dân nơi đây cho biết, chưa bao giờ những người có trách nhiệm làm việc đó. Trái lại, cán bộ thuỷ nông mở rộng cửa cống kênh tiêu để rác và các bao tải trôi lềnh bềnh đổ dồn sang bên sông Cao Dương.
Được biết, phía thượng nguồn của kênh tưới có chảy qua địa bàn xã Mỹ Thọ, là nơi tập trung nhiều trang trại chăn nuôi của người dân, phần lớn các hộ chăn nuôi này đều không có hệ thống xử lý nước thải, rác thì được vứt bừa bãi ra dòng kênh, là hệ thống tưới của các xã phía cuối nguồn. Mặc dù tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kể trên đã được người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền và các ngành chức năng, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý. Trong khi người dân vẫn hàng ngày hàng giờ phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường thì nhiều bệnh ngoài da, bệnh hô hấp đã kịp thời lây lan đặc biệt là trong số những người già và trẻ nhỏ sống dọc 2 bên dòng sông. Nhiều trẻ nhỏ trong xóm đã bị ho dai dẳng và mẩn ngứa kéo dài.
Thiết nghĩ chính quyền các cấp của tỉnh Hà Nam cùng các ngành chức năng cần tích cực tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, trả lại màu xanh cho dòng sông Cao Dương và mang lại môi trường trong sạch cho người dân sống hai bên dòng sông.
Đức Phương