Nếu bây giờ bãi bỏ án tử với tội phạm tham nhũng có nghĩa là đầu hàng trước tham nhũng, là một bước lùi trong đấu tranh chống tham nhũng. Việc làm này chẳng khác nào "bật đèn xanh" cho tham nhũng hoành hành”, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết bức xúc.
Nếu như đề xuất miễn nghĩa vụ quân sự cho ngư dân đánh bắt xa bờ trong dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét và người dân đồng tình ủng hộ, thì đề xuất bỏ án tử với tội phạm tham nhũng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đại biểu Quốc hội cũng như người dân. Đề xuất này làm nghị trường “nóng” hơn bao giờ hết tại phiên thảo luận ở tổ của các đại biểu Quốc hội chiều ngày 26/5 và thu hút sự quan tâm đặt biệt của dư luận.
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thẳng thắn nói rằng, không biết ai đã nghĩ ra đề xuất “bất thường” này.
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết
Lâu nay, tham nhũng vẫn được xem là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” cần phải mạnh tay trừng trị. Chính vì thế khung hình phạt cao nhất vẫn luôn được áp dụng với loại tội phạm này. Thế nhưng, tội phạm tham nhũng vẫn bất chấp pháp luật thực hiện hành vi phạm tội.
Theo nhận định của GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, tham nhũng trong những năm vừa qua không những không được đẩy lùi mà còn phát triển về quy mô cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Đặc biệt, tội phạm tham nhũng ngày càng thủ đoạn, xảo quyệt và trắng trợn hơn.
Theo kinh nghiệm và quan sát từ các vụ tham nhũng bị phanh phui trong nhiều năm, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, chỉ có quan chức mới tham nhũng mà thường thì tham nhũng tỷ lệ thuận với chức vụ. “Nói thế không có nghĩa là vơ đũa cả nắm, nhưng thực tế cho thấy chức càng to thì tham nhũng càng lớn”, ông Thuyết nói.
Thay vì lọt vào top những nước có nền giáo dục, hay kinh tế phát triển trên thế giới thì Việt Nam lại lọt vào top những nước tham nhũng cao nhất thế giới. Vị trí này khiến chúng ta phải nhìn lại công cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà theo như lời GS. TS Nguyễn Minh Thuyết là không mang lại hiệu quả là mấy.
Để có thể thay đổi cục diện công cuộc chống tham nhũng, gần đây, Đảng và Nhà nước ta liên tục phát động những cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thậm chí còn trao thưởng lớn cho người tố cáo tham nhũng và giúp nhà nước thu hồi được tài sản. Thế nhưng, những nỗ lực trên chưa mang lại kết quả như mong muốn khi mà những vụ tham nhũng bị pháp luật trừng trị chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Rõ ràng, quyết tâm chống tham nhũng bỗng trở thành một câu chuyện “hài”, "giả dối” khi ai đó đề xuất bỏ khung hình phạt tử hình với loại tội phạm nguy hiểm này.
Có lẽ, không chỉ GS. TS Nguyễn Minh Thuyết mà bất cứ một người dân lương thiện nào cũng tỏ ra bất bình và không thể chấp nhận được đề xuất này.
“Nếu bây giờ bãi bỏ án tử với tội phạm tham nhũng có nghĩa là đầu hàng trước tham nhũng, là một bước lùi trong đấu tranh chống tham nhũng. Việc làm này chẳng khác nào bật đèn xanh cho tham nhũng hoành hành”, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết bức xúc.
Thay vì bãi bỏ án tử với tội phạm tham nhũng, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất, cần phải đề cao hơn nữa tính thượng tôn của pháp luật và phải xử lý thật nghiêm hành vi tham nhũng. Ngoài việc trừng trị hành vi tham nhũng thì phải buộc đối tượng tham nhũng khắc phục toàn bộ hậu quả hành vi tham nhũng gây ra.
Kiểm soát thu nhập, tài sản của quan chức và tài sản họ chuyển vào tài khoản của người thân được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu chống tham nhũng. Nhưng, theo đánh giá của GS. TS Nguyễn Minh Thuyết thì việc làm này cũng chỉ được thực hiện một cách hết sức hời hợt, hình thức.
Vẫn biết phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến trường kỳ đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Nhưng, nếu ngay từ bây giờ không xây dựng được một bộ luật với những chế tài đủ mạnh, thì cuộc chiến chống tham nhũng khó lòng đạt hiệu quả như mong muốn.